Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp sáng 7/2. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc phê chuẩn
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
tại một số nước nhiệm kỳ 2018 - 2021; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Thể dục, thể thao.
Tại kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XIV), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Dự án luật tiến hành điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến: chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng; quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao; thi đấu thể thao trong nhà trường; phát triển thể thao thành tích cao; thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao thành tích cao; loại hình cơ sở thể thao…
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về những vấn đề cần chỉnh sửa mang tính chất kỹ thuật; những nội dung cần tiếp tục xem xét, bổ sung, trong đó có vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực thể dục thể thao; phát triển thể thao thành tích cao, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; nguồn lực phát triển thể dục, thể thao; đất đai dành cho thể thao; những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao; xã hội hóa và các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thể dục, thể thao; đặt cược thể thao; việc giải quyết việc làm cho các vận động viên sau khi giải nghệ, nhất là đối với vận động viên khuyết tật…
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến cho rằng, Điều 32 quy định quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao, trong đó tại điểm h có nêu: "Vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật; được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao" là đã cụ thể hóa quyền lợi của vận động viên, tuy nhiên cần quy định chi tiết về việc “tạo điều kiện” cũng như “ưu tiên” tuyển dụng vào làm việc như thế nào, vì điều này rất quan trọng đối với các vận động viên có thành tích cao, đã thi đấu trong thời gian dài mà không còn khả năng thi đấu nữa…
Về thi đấu thể thao trong nhà trường, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, Dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa. Tuy nhiên, có đại biểu nêu ý kiến, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi nên không nên quy định bơi là môn học bắt buộc, nhưng nhà nước nên khuyến khích phát triển môn bơi lội, có chiến lược bài bản, dành ưu tiên cho môn học này...
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thể dục thể thao là một lĩnh vực có liên quan đến vấn đề con người và nhiều lĩnh vực khác, như vấn đề văn hóa, vấn đề lịch sử, vấn đề về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, tiếp thu, xây dựng dự án Luật cần hết sức thận trọng.