Việc lần đầu tiên xây dựng một Luật chuyên ngành riêng cho lĩnh vực kiến trúc được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong ngành xung quanh Dự thảo Luật này.
Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Mong đợi luật pháp trao 3 quyền cơ bản
Kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, tính đặc thù cao, gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội cũng như tổ chức không gian sống của con người và xã hội. Thực tiễn phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là cần thiết.
Mặc dù đầu tư rất nhiều tiền nhưng kiến trúc của Việt Nam vẫn tụt hậu, thiếu bản sắc. Nhiều sinh viên cũng như kiến trúc sư trẻ đạt thành tích tầm cỡ nhưng khi hành nghề không phát triển được và thường có tâm lý hướng ngoại.
Bởi vậy, dự thảo Luật Kiến trúc trình Quốc hội lần này tuy có chậm nhưng sẽ điều chỉnh lại những điểm bất hợp lý lâu nay, mở ra môi trường hành nghề tốt hơn với kiến trúc sư và đem lại niềm tin phát triển cho kiến trúc Việt Nam.
Kiến trúc gắn liền với 3 yếu tố: An toàn và tiện nghi của môi trường - không gian sống của con người; Hiệu quả đầu tư với nguồn kinh phí lớn của xã hội và gia đình; Giá trị văn hóa, nếp sống và thẩm mỹ của một đô thị, một quốc gia.
Trên cơ sở xây dựng môi trường hành nghề của kiến trúc sư theo hướng tiến bộ, lành mạnh, sẽ khuyến khích tính sáng tạo và lòng yêu nghề của giới kiến trúc sư, cũng như xây dựng mô hình tổ chức hành nghề phù hợp với đặc tính lao động nghệ thuật của kiến trúc sư; tham gia sâu rộng môi trường hành nghề của kiến trúc sư khu vực và thế giới…
Hiện kiến trúc sư hành nghề đang mong đợi được Luật pháp trao cho 3 quyền cơ bản: được hành nghề và công hiến cho xã hội, không bị áp lực của người đầu tư, người quản lý; được Luật pháp bảo vệ, tôn trọng quyền tác giả, được xã hội tôn trọng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm kiến trúc mà nhiều luật khác đã bỏ qua (Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật bản quyền tác giả …); được nhận thù lao đúng với giá trị lao động bỏ ra với tác phẩm, được bồi thường khi bị vi phạm hợp đồng, không bị cắt xén, quỵt tiền thiết kế… mà hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và không có ai bảo vệ.
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội: Quản lý kiến trúc tránh phát triển tùy tiện
Lĩnh vực kiến trúc có lịch sử dài lâu. Xây dựng Luật cho lĩnh vực kiến trúc đã từng được bàn đến nhiều lần. Luật Kiến trúc có đặc thù riêng, rất phức tạp; không chỉ là một vấn đề của khoa học kỹ thuật mà còn là nghệ thuật, sáng tạo và minh chứng biểu hiện sự quan tâm của chính quyền đối với sáng tạo đó. Do đó, nếu Luật Kiến trúc vừa quản lý về khoa học, kỹ thuật lại còn quản lý cả sáng tạo và giới hạn theo mong muốn của chính quyền thì rất khó.
Một trong những vấn đề cần bàn là nên tập trung vào Luật Kiến trúc hay hành nghề kiến trúc. Vấn đề đặt ra là quản lý hành nghề như thế nào, xác định nhà nước quản lý cái gì và mảng nào để kiến trúc sư sáng tạo; phát huy vai trò của đoàn thể…
Mỗi quốc gia có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có những nước cho rằng, mỗi vùng có 1 kiến trúc riêng, sáng tạo riêng và mỗi vùng phải quản hành nghề riêng. Tại Pháp, kiến trúc sư có thể hoạt động tại nhiều địa bàn nhưng muốn hành nghề tại Thủ đô Paris thì phải có thi tuyển và đáp ứng yêu cầu riêng.
Quản lý kiến trúc là điều tất yếu phải làm để tránh tình trạng phát triển tùy tiện, ai thích làm gì thì làm. Thế nhưng, vấn đề quản lý sáng tạo cũng rất khó, nhất là để theo đúng đường lối bởi đây là tiền của, bộ mặt đô thị, quốc gia, người dân cả nước chứ không phải chỉ của riêng người có tiền thuê kiến trúc sư.
Quản lý kiến trúc sư vẫn nên là cơ quan quản lý nhà nước vì vừa quản sáng tạo nghệ thuật, cả khoa học kỹ thuật và có cả lợi ích chung của xã hội. Kiến trúc là 1 biểu hiện của xã hội nhưng cũng là lợi ích chung của xã hội. Bởi vậy, không phải muốn xây gì thì xây, vì đó là bộ mặt của đô thị, của quốc gia. Có bỏ tiền ra cũng không tự quyết định được.
Thêm một nội dung cần quan tâm là phân loại khu vực để quản lý kiến trúc. Đồng thời, quản lý hành nghề cũng nên phân loại theo cách xác định năng lực hoặc lĩnh vực như: công trình, quy hoạch, giám sát, quản lý… Ngay từ khâu đào tạo cũng vậy, tuy gọi chung là kiến trúc sư nhưng có người chỉ làm công trình, quy hoạch hoặc quản lý, giám sát… Khái niệm kiến trúc với người làm nghề cũng cần được định nghĩa cho rõ.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (VIUP): Có kiến trúc sư giỏi tương lai sẽ có những đô thị đẹp
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, họ có tư tưởng rất rõ ràng về quản lý hành nghề kiến trúc sư nhằm mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ làm nghề. Nhiều nước đã thành lập cơ quan đăng bạ kiến trúc - đây là tổ chức hoạt động mang tính chất hành chính.
Cơ quan này chịu trách nhiệm thuê chuyên gia đầu ngành, kiến trúc sư đầu ngành để xây dựng đề bài, đề thi. Các kiến trúc sư muốn hành nghề được pháp luật bảo vệ thì phải đạt kỳ thi này
Thậm chí, kỳ thi này được tổ chức thường xuyên hàng năm. Nếu 1 kiến trúc sư không vượt qua được kỳ thi này thì chứng tỏ không tiếp tục duy trì được năng lực, kỹ năng hành nghề. Họ vẫn hành nghề kiến trúc sư nhưng không được ký xác nhận vào những bản vẽ đòi hỏi yêu cầu cao.
Một trong những tư tưởng rất quan trọng mà dự thảo Luật Kiến trúc cần đề cập là quản lý kiến trúc sư. Mục tiêu là để kiến trúc sư ngày càng giỏi lên. Đặc biệt, việc sát hạch thông qua cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp cũng chính là những công cụ rất quan trọng để nâng cao trình độ kiến trúc sư.
Có kiến trúc sư giỏi thì tương lai sẽ có những đô thị đẹp và công trình kiến trúc có giá trị. Cần đi từ yếu tố con người, tài năng để tạo ra nhưng giá trị kiến trúc đẹp.