Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Thu ngân sách từ 3 khối trụ cột không đạt
Năm nay, mặc dù thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 đạt, nhưng khoản thu từ 3 khối quan trọng nhất là doanh nghiệp Nhà nước, khối FDI và khối các thành phần kinh tế khác lại không đạt. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế không đến từ doanh nghiệp, mà đến từ các khoản thu tiền sử dụng đất hoặc do giá dầu tăng vọt. Thực trạng này cũng đã được phản ánh trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội.
Cũng theo báo cáo thì năm nay ta vẫn vượt khoảng 3% dự toán thu, đây là cố gắng lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng có lẽ phải ngồi trao đổi lại về những biện pháp giữ ổn định CPI dưới 4%, chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ như không tăng giá điện, kìm dịch vụ công… sẽ ảnh hưởng đến khoản thu ngân sách.
Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn là căn bệnh nói nhiều năm nay. Nhiều nguồn vốn năm 2017 phải chuyển sang năm 2018. Nếu ta giải ngân được hết trong năm 2017 thì có thể tăng trưởng còn cao hơn nữa, cỡ 0,2 - 0,3%.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Xem lại thứ tự ưu tiên chi đầu tư công
Tôi thấy báo cáo của Chính phủ đã nêu rất khách quan về những kết quả đạt được cũng như hạn chế trong đầu tư công thời gian qua. Đặc biệt là việc phân bổ ngân sách. Chúng ta đã có tiêu chí phân bổ, thứ tự ưu tiên, nhưng đánh giá lại mới thấy cần phải tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện.
Phải xây dựng thứ tự ưu tiên lại, trên cơ sở thực tiễn đời sống. Ví dụ, ba năm trở lại đây, tình hình lũ bão, biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Có lẽ phải ưu tiên hơn trong phân bổ vốn cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định): Đề nghị minh bạch các khoản chi
Bài toán giá dầu vẫn là tâm điểm của dự toán thu hằng năm. Diễn biến gần đây tôi nghiêng về giá dầu cao hơn 10% so với giá dự toán 65 USD/thùng. Nguồn tăng thu này cần dành cho an sinh xã hội.
Dự toán thuế bảo vệ môi trường 2019 đã sửa biểu thuế sẽ tăng 20.000 tỷ đồng so với năm 2018, vượt 47%. Chính phủ dự kiến dành 16.000 tỷ đồng trong số này cho bảo vệ môi trường, tôi đề nghị phải đầu tư đúng cho mục tiêu môi trường, đặc biệt là môi trường nông thôn đang xuống cấp.
Cử tri kiến nghị tái cơ cấu thu chi ngân sách, giảm chi thường xuyên bằng việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Cần rõ ràng các khoản chi theo %.