Ông Nguyễn Văn Tùng. Ảnh: tuoitre.vn |
Ngày 10/12, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng bế mạc sau 3 ngày làm việc (từ 8-10/12). Tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã thông qua một số quyết định quan trọng như: nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2016, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đại biểu HĐND đã miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đối với ông Đỗ Trung Thoại do trong nhiệm kỳ này ông Thoại không tham gia cấp ủy, được điều động sang làm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2016 được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua, một số mục tiêu cụ thể gồm: phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt từ 10,2-10,7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt 53.500 tỷ đồng; thu nội địa là 12.745 tỷ đồng; sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 76 triệu tấn; g iải quyết việc làm cho 5,2 vạn lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 76%. Về xây dựng nông thôn mới, toàn thành phố phấn đấu đạt 15 tiêu chí...
Hải Phòng đã đưa ra các nhóm giải pháp chính để đạt các mục tiêu trên gồm: đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các luật mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm; đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016, phấn đấu có thêm 25-30 xã đạt tiêu chí; thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông sản sạch, công nghệ cao gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tăng cường thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách; phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển và quản lý đô thị, bảo vệ tài nguyên môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chuẩn bị và triển khai tốt bầu cử Hội đồng nhân dân và kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp...
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, các cử tri Hải Phòng đã gửi 30 câu hỏi đến Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó có 7 câu hỏi được giải trình trực tiếp trên hội trường. Nội dung chất vấn tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn, nhà chung cư cũ nát nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào...
Đa số các câu trả lời đã đi thẳng vào nội dung, nêu ra giải pháp khắc phục và thời gian hoàn thành cụ thể, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người tiếp tục thực hiện công việc. Song vẫn có đại biểu yêu cầu lãnh đạo các Sở tham gia trả lời chất vấn cần xây dựng đề án triển khai cụ thể hơn, tập trung trước mắt vào những công trình cần ưu tiên khẩn cấp và phải xử lý dứt điểm để đảm bảo an toàn cho người dân và tình hình an ninh trật tự.
Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã thông qua quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2016. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến khoảng 8.982,4 tỷ đồng. Về “Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Phòng xác định đây là việc làm cần thiết, cấp bách, nhằm cơ cấu và tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, xác định những bước đi và giải pháp phù hợp để chủ động trong tận dụng lợi thế, cơ hội để phát triển ổn định, bền vững ngành thủy sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dân; sớm xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước.