Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Các đại biểu biểu quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Theo đó, từ ngày 1/4/2016 - 30/6/2017, để cứu trợ cho nhân dân các địa phương tại các vùng bị thiên tai, lũ lụt, hỗ trợ Tết nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định giao cho Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia 58.885 tấn gạo, tương ứng với số vốn khoảng 553 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện xong việc xuất cấp số lượng gạo nêu trên, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, phân bổ đúng đối tượng, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán 553 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2017 cho Bộ Tài chính để mua bù 58.885 tấn gạo đã xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ từ ngày 1/4/2016 -30/6/2017.
Báo cáo thẩm tra việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, trước diễn biến bất thường của thiên tai ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, việc đảm bảo lượng gạo hỗ trợ cứu đói cho người dân là nhiệm vụ bức thiết, được ưu tiên đặt lên hàng đầu, bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Dự trữ quốc gia: “Hàng dự trữ quốc gia phải được quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu của dự trữ quốc gia”.
Đồng thời, để bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dự trữ quốc gia và đúng với quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc bổ sung dự toán 553 tỷ đồng để mua bù số gạo đã xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ từ ngày 01/4/2016 - 30/6/2017 như đề nghị của Chính phủ là cần thiết.
Về thẩm quyền, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Dự trữ quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm”; khoản 1 Điều 13 quy định Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn “Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm”, vì vậy, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia là đúng thẩm quyền.
Về nguồn vốn, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán.