Bước phát triển lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Indonesia

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Indonesia từ ngày 27-28/6. Chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trong giai đoạn bản lề để tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trước thềm chuyến thăm, phóng viên TTXVN tại Jakarta đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy.

Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho biết Indonesia là quốc gia có vai trò quan trọng trong ASEAN, luôn tích cực đóng góp cho việc xây dựng và phát triển vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Việt Nam luôn đánh giá cao và coi trọng quan hệ với các nước trong khu vực, trong đó có Indonesia. Hai nước có nhiều điểm tương đồng về truyền thống, lịch sử, văn hóa và đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống hơn nửa thế kỷ qua.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 24/6. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN


Chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Indonesia có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới có tính lịch sử trong quan hệ giữa hai nước. Kể từ năm 2003 tới nay, hai nước đã có những thỏa thuận quan trọng làm nền tảng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện. Năm 2003, nhân chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Megawati Soekarno tới Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp định khung về Khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện hướng tới thế kỷ 21. Tháng 9/2011, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Indonesia, lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược. Hai bên đã ký Chương trình hành động Việt Nam-Indonesia giai đoạn 2012-2015 nhằm triển khai toàn diện giữa hai nước. Dự kiến, trong chuyến thăm này, hai bên sẽ nâng quan hệ trở thành đối tác chiến lược. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như dẫn độ và tương trợ tư pháp, năng lượng, tài chính, hàng hóa nông nghiệp. 


Theo dự kiến, ngày 27/6, sau lễ đón chính thức cấp Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có cuộc gặp riêng, sau đó hội đàm với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono; cùng Tổng thống chứng kiến Lễ ký các văn bản thỏa thuận, gặp gỡ báo chí và dự Quốc tiệc do Tổng thống Indonesia chủ trì. Sáng 28/6, Chủ tịch nước sẽ đến viếng và đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Anh hùng Kalibata; hội kiến Chủ tịch Quốc hội (Hạ viện) Indonesia; tiếp Bộ trưởng Các doanh nghiệp Nhà nước cùng 10 doanh nghiệp lớn của Indonesia, đến chào và dự tọa đàm với doanh nghiệp hai nước. Chiều 28/6, Chủ tịch nước sẽ đến thăm Ban Thư ký ASEAN, gặp gỡ và nói chuyện với các Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN tại Jakarta và cán bộ, nhân viên Ban Thứ ký ASEAN. Trước khi rời Jakarta về nước, Chủ tịch nước sẽ đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Cơ quan đại diện Việt Nam, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN và dại diện lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia.


Về những kết quả nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho biết hai nước đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy lẫn nhau. Hai bên đã xây dựng được cơ chế hợp tác và phối hợp chặt chẽ không chỉ trong gia đình ASEAN mà trong cả các thể chế, diễn đàn quốc tế và khu vực rộng lớn hơn như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, FEALAC,.. về nhiều vấn đề nổi cộm của khu vực và thế giới như hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác kinh tế, biến đổi khí hậu… Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng đạt được những kết quả tương đối khả quan. Trong hai năm 2011- 2012, dù môi trường kinh tế thế giới không thuận, nhưng thương mại song phương đều đạt trên 4,6 tỷ USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Indonesia các mặt hàng như gạo (789.665 tấn), điện thoại các loại và linh kiện, sắt thép các loại (301.464 tấn), dầu thô (157.416 tấn); nhập khẩu của Indonesia giấy các loại (263.894 tấn), dầu mỡ động thực vật, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hóa chất. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 2,1 tỷ USD. 


Ngoài ra, hai bên đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng (trao đổi, hợp tác huấn luyện hải quân…), đàm phán vùng đặc quyền kinh tế, giáo dục. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng thành phố Hồ Chí Minh-Jakarta đạt kết quả khả quan, góp phần tăng cường du lịch và kết nối thương mại giữa hai nước.


Về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khai mỏ, nông nghiệp, chế biến thủy-hải sản, du lịch, giáo dục. Indonesia là nước đi trước trong phát triển công nghiệp năng lượng (khai thác dầu, khí hóa lỏng, than và các loại quặng …), do đó có thể giúp Việt Nam về kinh nghiệm quản lý phát triển bền vững cũng như đầu tư cùng thăm dò và khai thác. Về nông nghiệp, hai nước có những thế mạnh có thể hợp tác liên kết với nhau góp phần tăng cường an ninh lương thực và giảm nghèo. Trong lĩnh vực du lịch, cả hai đều có những điểm đến nổi tiếng thế giới. Nói đến Việt Nam, du khách thường nhắc đến Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, bãi biển Nha Trang, đảo Phú Quốc, và nói tới Indonesia, người ta nhớ đến Đảo rồng Komodo, cố đô Yogyakarta, khu nghỉ mát ở đảo Bali, Lombok… Đây là vốn quý góp phần thúc đẩy hợp tác về văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. 


Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng để nâng cao hiệu quả hợp tác, hai bên cần nâng cao vai trò của các cơ chế, bộ máy đã có như Ủy ban Hợp tác chung, Ủy ban Hỗn hợp. Bản thân mỗi bộ, ngành của từng nước cần chủ động, tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận, chương trình hợp tác đã có, hỗ trợ quảng bá cho nhau, đồng thời có những chính sách ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên để đầu tư, làm ăn có hiệu quả. Hai nước đều có dân số trẻ cần tăng cường đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động. Đây là lĩnh vực cần khai phá thêm. Doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động, tăng cường trao đổi cơ hội hợp tác và đầu tư hơn nữa.



TTXVN/Tin tức

 Việt Nam-Campuchia đẩy mạnh hợp tác tìm hài cốt liệt sĩ
Việt Nam-Campuchia đẩy mạnh hợp tác tìm hài cốt liệt sĩ

Chiều 20/6, tại thủ đô Phnom Penh, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung và Đại tướng Pol Saruon đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban Chuyên trách Chính phủ hai nước, nhất trí tiếp tục hợp tác trong hoạt động tìm kiếm liệt sĩ và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN