Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ ký Bản Ghi nhớ với đại diện có thẩm quyền của Chính phủ Singapore.
Việt Nam và Singapore lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Trên chặng đường 45 năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ. Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long, hai bên đã ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Hai bên đã tích cực triển khai các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược và đã đạt những kết quả hết sức thực chất, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao và các cấp. Lãnh đạo hai nước có mối quan hệ thân thiết, được duy trì qua trao đổi cấp cao thường xuyên và qua các cuộc gặp tại các diễn đàn đa phương.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm qua đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Hiện nay, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN và thứ tám trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt tăng trưởng tốt cả xuất khẩu và nhập khẩu. Tổng kim ngạch thương mại năm 2017 tăng 8,9% so với năm 2016, đạt 8,3 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng. Singapore hiện là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất trong ASEAN và thứ ba trên thế giới. Tính đến hết tháng 5/2018, Singapore có 2.048 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trị giá 43,53 tỷ USD. Đến nay, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư tại 48/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, trong thời gian tới, hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore có thể chứng kiến những xung lực mới. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với Singapore trong những lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh, giúp gia tăng giá trị nhanh chóng và phát triển bền vững như số hóa nền kinh tế, áp dụng công nghệ cao, xây dựng Chính phủ kiến tạo, quy hoạch đô thị thông minh, dịch vụ thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, dịch vụ logistic, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...