Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng những việc rất cụ thể

Ngày 27/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đã chủ trì cuộc họp tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ủy ban.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được trang bị nhiều phần mềm, hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính các cơ quan Nhà nước để thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính.

Có thể chia thành các nhóm đối tượng: Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến; các hệ thống một cửa điện tử; các hệ thống quản lý văn bản và điều hành; các hệ thống chuyên ngành phục vụ công tác quản lý theo ngành lĩnh vực được giao của riêng từng cơ quan, đơn vị của một Bộ hoặc một tỉnh/thành phố; các hệ thống thư điện tử.

Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã có Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung các dịch vụ công trực tuyến mà Bộ cung cấp, như: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Các bộ, ngành khác còn lại, các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu được cung cấp riêng lẻ theo từng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Rất ít Bộ đã triển khai hệ thống một cửa điện tử ở phạm vi cấp Bộ. Các hệ thống chuyên ngành được các Bộ, ngành xây dựng để phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, ngoài hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia có sự tham gia của các Bộ: Công Thương, Giao thông và Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... và một số hệ thống khác như giữa Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư là có liên thông, còn lại việc liên thông giữa các Bộ, ngành là rất hạn chế.

Tại các tỉnh, xu hướng chung là đang chuyển dần sang cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên một Cổng dịch vụ công trực tuyến duy nhất của tỉnh. Các tỉnh được trang bị hai kiểu hệ thống một cửa điện tử là: Các hệ thống riêng lẻ và hệ thống triển khai trên một hệ thống tập trung theo mô hình client - server trên nền web. Hầu hết các tỉnh, thành phố đang sử dụng song song nhiều hệ thống một cửa, như: Hà Nội (có 10 hệ thống một cửa), Hải Phòng (có 5 hệ thống một cửa), các tỉnh khác có từ 2-3 hệ thống một cửa. Việc liên thông các hệ thống một cửa với nhau còn hạn chế.

Bên cạnh các hệ thống do tỉnh xây dựng để phục vụ công tác quản lý, còn có các hệ thống do các Bộ triển khai theo quy mô cả nước theo chuyên ngành. Các hệ thống này có thể cần thiết phải chia sẻ thông tin, dữ liệu trực tiếp với các hệ thống thông tin của tỉnh. Tuy nhiên, đối với hầu hết các hệ thống này, tỉnh chỉ được cấp tài khoản sử dụng để nhập hồ sơ, số liệu vào một cách thủ công và không có kết nối chia sẻ trực tiếp. Do đó, việc liên thông giữa hệ thống của tỉnh với các hệ thống do cấp Bộ triển khai ở tỉnh hiện nay rất hạn chế.

Đối với hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử quý III năm 2017, đã có 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, ở mỗi Bộ, tỉnh có rất nhiều hệ thống quản lý văn bản và điều hành được sử dụng đồng thời nên việc liên thông đến từng cơ quan trong Bộ, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư, triển khai hệ thống dữ liệu nên hướng tới tập trung, đồng bộ để thuận tiện cho việc liên thông, kết nối. Đối với hệ thống thông tin mới phải có yêu cầu, nội dung về kết nối, chia sẻ và liên thông các cấp. Các Bộ, ngành chủ quản các cơ sở dữ liệu quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia và bảo đảm chia sẻ cho các Bộ, ngành, địa phương sử dụng chung; thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết nối, chia sẻ thông tin và dữ liệu. Các phần mềm, hệ thống thông tin phải bảo đảm tuân thủ các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật. Các Bộ, ngành cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống, dữ liệu cho ngành mình.

Các hệ thống được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin cần đảm bảo sẵn sàng liên thông, kết nối với các hệ thống khác để có thể chia sẻ dữ liệu, bảo đảm nguyên tắc cơ quan nhà nước phải quản lý được, là chủ sở hữu của thông tin, dữ liệu. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần xác định rõ các hệ thống có quy mô từ Trung ương đến địa phương để tránh chồng chéo, trùng lắp. Các hệ thống của Trung ương phải có tính mở, linh hoạt để sẵn sàng liên thông, kết nối với các hệ thống của địa phương. Các Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cần hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về sử dụng, lưu trữ văn bản, hồ sơ điện tử thay cho văn bản, hồ sơ giấy. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, công bố các hệ thống thông tin, các Bộ, tỉnh điển hình trong việc liên thông, kết nối để các Bộ, tỉnh khác có thể học tập, triển khai.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá trong năm qua, các Bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhưng còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai những nhiệm vụ đã được giao trong năm 2017: Quy trách nhiệm nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử; đẩy mạnh thuê dịch vụ công nghệ thông tin; hoàn thiện các quy định về sản phẩm thiết bị thông tin đặc thù chuyên biệt của Việt Nam; xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia; đánh giá chỉ số an toàn thông tin của từng Bộ, ngành, địa phương...


Năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng những việc rất cụ thể. Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng quy định về thực hiện xử lý hồ sơ, công việc hoàn toàn trên máy tính, môi trường mạng trước hết ở cấp bộ, cấp tỉnh. Từ đó kết nối lên Văn phòng Chính phủ, Chính phủ, phục vụ công tác thông tin, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến các Bộ, ngành, địa phương.

Trong thực hiện Cách mạng công nghệ 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải là lực lượng đi đầu. Các Bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải kiên quyết trợ giúp các doanh nghiệp trong các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công để doanh nghiệp đỡ bị phiền nhiễu. Các giải pháp dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp cần được ưu tiên làm trước. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, rất cần được tư vấn về các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, cần tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, trước hết là thuê dịch vụ công nghệ thông tin; có kế hoạch tổng thể hỗ trợ công đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startup).

Trong đời sống xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần tập trung vào một số lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều nhất: học tập, nâng cao kiến thức; sức khỏe; thông tin, giải trí… Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp lớn sớm triển khai các công việc liên quan đến thanh toán điện tử. Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các cơ sở dữ liệu, từ đó xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng...

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến định hướng tháo gỡ vướng mắc về tần số, cước phí để đẩy mạnh phát triển hạ tầng băng rộng, 4G; triển khai thanh toán điện tử với sự phối hợp của ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông; phát triển một số sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ từ thiết kế, phần cứng, phần mềm, công nghệ sản xuất…
Phúc Hằng (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Bộ trưởng Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia Khieu Kanharith
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Bộ trưởng Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia Khieu Kanharith

Chiều 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Bộ trưởng Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia Khieu Kanharith nhân dịp Ngài Bộ trưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Thông tin Campuchia sang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN