Tồn tại và giải pháp chưa được làm rõ trong các báo cáo
Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%; số đoàn đông người giảm 17,7%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%.
Về khiếu nại, so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%). Về tố cáo, so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu ra các hạn chế tồn tại, đánh giá những mặt làm được, chưa làm được.
"Tuy nhiên, một số đánh giá, nhận định về những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong các Báo cáo trước đây vẫn được lặp lại. Báo cáo chưa làm nổi bật lên được những tồn tại, hạn chế, bất cập này đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khắc phục ở mức độ nào, kết quả đến đâu, lý do tại sao chưa khắc phục được", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời cũng chưa chỉ ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020; chưa phân tách được số liệu cụ thể vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong. Báo cáo cũng chưa đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người có sự tham gia của giáo dân hoặc do bị lợi dụng, kích động, lôi kéo... để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở, còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 có 27,8% quyết định giải quyết lần 1 phải sửa hoặc hủy; kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 12,9% tố cáo tiếp là đúng và 25,7% tố cáo tiếp có đúng, có sai.
"Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này.
Xử lý nghiêm các đối tượng xúi giục khiếu nại, tố cáo
Làm rõ một số nội dung được nêu trong báo cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, các địa phương, bộ, ngành, cơ quan trung ương cần phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, công khai kết quả, tiến hành đối thoại tạo sự đồng thuận của người dân.
“Trong trường hợp các đối tượng cố tình hoặc bị xúi giục tiếp tục khiếu nại, tố cáo lòng vòng, vượt cấp thì sẽ xử lý nghiêm”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Thảo luận về các báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cũng đề nghị cần làm rõ trong trường hợp khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì các cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính nhà nước có những giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị có biện pháp sớm chấm dứt tình trạng các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người kéo về trụ sở các cơ quan Trung ương, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo ở Hà Nội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí các báo cáo đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 sắp tới; đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét.