Quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản chấm dứt can thiệp sớm. Theo đại biểu, quy định này làm thay đổi bản chất can thiệp sớm, chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.
Với cơ chế can thiệp từ sớm, khi phát hiện tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động, để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. Đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm. Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế, cùng thời hạn thực hiện. Các yêu cầu, hạn chế của Ngân hàng nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời gian thực hiện, khi các tổ chức tín dụng đã khắc phục được các vấn đề của mình.
Với cách tiếp cận này, Ngân hàng nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu, hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm.
"Trường hợp phải có văn bản (quyết định) can thiệp sớm và sau đó là văn bản (quyết định) khi chấm dứt can thiệp sớm sẽ là thông tin bất lợi của tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền, tạo ra rủi ro nguy cơ rút tiền hàng loạt đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung", đại biểu nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về can thiệp sớm như dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản chấm dứt can thiệp sớm tại Điều 161 của dự thảo Luật. Điều này sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp thị trường có phản ứng tiêu cực với trường hợp Ngân hàng Nhà nước có quyết định can thiệp sớm với ngân hàng.
Điểm b khoản 2 Điều 43 dự thảo Luật quy định: Thành viên Hội đồng quản trị không phải là thành viên độc lập, thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng khác, người quản lý doanh nghiệp khác.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, quy định này nhằm tránh xung đột lợi ích khi thành viên Hội đồng quản trị có thể gây ảnh hưởng tới các quyết định của ngân hàng nhằm có lợi ích cho doanh nghiệp khác của mình. Tuy nhiên, cần cân nhắc thận trọng vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế.
“Tham gia Hội đồng quản trị một tổ chức tín dụng không phải là công việc toàn thời gian nên những người này thường có công việc khác. Việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị”, đại biểu chỉ rõ.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, mấu chốt vấn đề là cần kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với doanh nghiệp khác mà thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.
Bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, đồng thời bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng đại biểu vẫn còn băn khoăn.
Đại biểu nêu rõ: Mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến (bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp) là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu. Tại các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng một năm là từ 2 - 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Nếu hủy năm đầu, khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng một công ty bảo bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến từ 4-8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên từ 50-100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.
Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 - 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng này.
Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: "Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", sẽ không có gì đảm bảo cho tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.
"Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng dễ dàng đã khiến các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận”, đại biểu Thịnh phân tích.
Đại biểu đề nghị, nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì dự thảo Luật cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của ngân hàng thương mại và đặc biệt là nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nghề đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các công ty bảo hiểm không có trụ sở mà bán qua ngân hàng nên khách hàng gặp nhiều khó khăn khi có vấn đề cần giải quyết. Ông Hòa nêu ví dụ cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có 13 tỉnh nhưng chỉ có 2 trụ sở công ty bảo hiểm. “Tôi ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.