Thống nhất về cơ bản với dự thảo công tác nhiệm kỳ do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng: Hoạt động của Quốc hội khóa XIV tiếp tục đổi mới, sáng tạo, căn bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại. Quốc hội khóa XIV đã thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều ấn tượng và đánh giá tốt đẹp đối với các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình khẳng định.
Gửi gắm ý kiến để Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc cơ chế, chính sách phát triển trong thời gian tới. Các chính sách ban hành phải đúng, khoa học, phù hợp với thực tiễn và phải minh bạch, kịp thời.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, chính sách đúng là tài nguyên trí tuệ, là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Kinh nghiệm phát triển của một số nước như Nhật Bản cho thấy, quốc gia này hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng bằng những chính sách đúng đắn, phù hợp, đã phát triển nhanh, mạnh, bền vững và trở thành cường quốc phát triển đứng thứ 3 thế giới trong nhiều thập kỷ qua.
“Chính sách đúng và kịp thời sẽ thúc đẩy sức mạnh tổng hợp, sáng tạo mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội của đất nước”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình khẳng định.
Nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đưa ra các mục tiêu chiến lược, theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, để thực hiện thành công Nghị quyết thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 2026 phải đạt mức tăng trưởng hai con số. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong những năm tới có những chính sách đúng, khoa học, minh bạch, phù hợp thực tiễn và mang tính đột phá, đáp ứng sự phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ, cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra một cách nhanh chóng.
“Quốc hội cần tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc về chính sách phát triển; cần giám sát từ khâu tác động chính sách, quy trình xây dựng chính sách cho đến việc ban hành và thực thi các chính sách”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình thảo luận.
Đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã có những bước cải tiến, đổi mới trong việc xây dựng, điều chỉnh luật. Song, vẫn cần tiếp tục cải tiến hơn nữa quy trình xây dựng luật, cần có báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn, sâu hơn, hoàn chỉnh hơn. Việc xây dựng và điều chỉnh luật cần xin ý kiến rộng rãi hơn nữa tới các đối tượng chịu tác động của luật. Cần có văn bản hướng dẫn thi hành luật gửi kèm với dự án luật để đại biểu Quốc hội có ý kiến, giúp cho việc ban hành, điều chỉnh, hướng dẫn luật mang tính khoa học, thực tiễn và áp dụng được ngay - đại biểu Đoàn Hà Nội góp ý kiến.
Góp ý cần tiếp tục đẩy nhanh Quốc hội điện tử và tiến tới Quốc hội số để giải quyết những vấn đề mấu chốt, cốt lõi, theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, chỉ có xây dựng Quốc hội điện tử mới tạo ra được một thiết chế trong quan hệ điều hành của Quốc hội, để có sự trao đổi thường xuyên giữa các đại biểu; giữa đại biểu với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ; giữa Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội và với Chính phủ.
“Có như vậy, Quốc hội mới thực sự cải cách và thực hiện chức năng của Quốc hội một cách nhanh chóng, khoa học, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất”, đại biểu Hà Nội nhấn mạnh.
Đánh giá Quốc hội khóa XIV đã đạt những dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) bày tỏ: Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm cũng như làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý từ Quốc hội các khóa trước.
Để Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới hoạt động hiệu quả hơn nữa, đại biểu Ngô Sách Thực đưa ra một số đề xuất như, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát nhân dân để phát huy các hình thức giám sát; tiếp tục tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Quốc hội quan tâm đến đại biểu chuyên trách; tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách; lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động chuyên trách, thể hiện ý chí, trí tuệ của nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.
“Hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến công khai trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, các dự thảo văn bản luật chưa thu hút được sự tham gia của nhiều người dân, ít nhận được ý kiến, tâm huyết xác đáng vì thiếu cơ chế phản hồi, tiếp thu các ý kiến đóng góp qua dư luận và các kênh thông tin điện tử. Cần quy định việc lấy ý kiến góp ý và tiếp thu, góp ý, phản biện xã hội một cách cụ thể hơn”, đại biểu Ngô Sách Thực nêu ý kiến.