Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn thành viên Chính phủ cụ thể mà chọn bất kỳ người nào, giám sát theo các nghị quyết kể từ kỳ họp thứ hai. Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, các đại biểu đánh giá, việc đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vẫn sẽ đem lại hiệu quả và hấp hẫn hơn.
Phương thức chất vấn khoa học, hiệu quả hơn
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, phương thức chất vấn căn cứ vào nghị quyết, tức là theo sát "lời hứa" của các thành viên Chính phủ rất hay, bởi một lĩnh vực thường không phải của chỉ một bộ, ngành quản lý, chịu trách nhiệm. Theo đại biểu, cách làm như vậy sẽ giám sát được cả những lần chất vấn trước đây. Nhiều vấn đề của cử tri, đại biểu Quốc hội đặt ra sẽ được theo dõi xem các tư lệnh ngành đã giải quyết như nào.
Về chuyển động từ các nội dung phiên chất vấn trước, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, vẫn còn những việc bức xúc xảy ra trong xã hội, không giải quyết thỏa đáng cho người dân. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng chỉ ra nhiều vấn đề nhờ có phản ánh của cử tri, từ chất vấn của đại biểu Quốc hội mà mang lại hiệu quả cao, điển hình như y tế hiện đã được cải thiện. "Với cách thức tổ chức và diện chất vấn rộng hơn, sự tranh luận giữa người chất vấn và người bị chất vấn sẽ rất cao. Điều này sẽ nâng được trình độ về kiến thức và nội dung đưa ra thảo luận", đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Ủng hộ phương thức chất vấn mới, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho hay, tại Kỳ họp thứ 6, hình thức chất vấn có nhiều thay đổi để hoạt động này hiệu quả hơn. Theo đó, khi đăng ký phát biểu, bảng điện tử sẽ có tên và số của đại biểu Quốc hội đó, bấm một lần máy nhận chứ không cần bấm nhiều lần và xuất hiện tên mình trên bảng. "Trước đây, tôi cứ canh cánh tìm tên mình mà không biết nằm ở đâu bởi mình cũng cần biết đại biểu số 5 hay số 7 đang chất vấn thì tới số 10 như mình phải chuẩn bị rồi", đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, theo quy định mới của Quốc hội, thời gian cho tranh luận khi đại biểu giơ biển tối đa là 3 phút, thời gian đặt câu chất vấn là 1 phút. Tất cả các cải tiến đó làm cho việc chất vấn hiệu quả hơn.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), kỳ họp lần này, nhiều Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm cao bởi đã thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân. "Người ta nhận đơn của người dân, xử lý tới nơi tới chốn. Người dân cần cái đó, cần giải quyết vấn đề cụ thể chứ không hứa suông. Vì vậy, hình thức chất vấn lần này của Quốc hội sẽ rất có lợi cho nhân dân và người dân cũng đang rất mong chờ", đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Cũng theo ông Lợi, có vấn đề đưa ra chất vấn, ngoài trách nhiệm của Bộ trưởng thì còn trách nhiệm của Quốc hội, bởi có thể chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật dẫn đến triển khai, thực hiện còn trục trặc thì phải xem xét các cơ quan xây dựng pháp luật, chứ không chỉ riêng Chính phủ và Bộ trưởng lĩnh vực đó. "Tôi cho rằng việc của Chính phủ cũng là việc của Quốc hội và phải coi việc phối kết hợp xử lý vấn đề đó là trách nhiệm của các bên có liên quan", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Chất vấn tại Quốc hội cần đi tới tận cùng vấn đề
Tại Kỳ họp thứ 6, phiên chất vấn tiếp tục thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” song Quốc hội sẽ đề nghị các đại biểu không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao trình ra, mà dành trọn vẹn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp” luôn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, cách thức chất vấn lần này dựa trên kinh nghiệm của các kỳ họp trước, đó là đặt câu hỏi và trả lời ngay, không phải chờ nhiều đại biểu hỏi một lượt rồi mới trả lời. Ngoài ra, chất vấn sẽ không còn đi theo nhóm vấn đề như trước mà đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, thấy cần thiết phải trả lời ngay. "Chất vấn tại Quốc hội cần đi tới tận cùng vấn đề. Tất nhiên, không phải vấn đề nào cũng đưa ra chất vấn mà đại biểu thấy vấn đề nào bức bách thì đặt ra. Người trả lời ngoài việc giải đáp còn phải xử lý hoặc đưa ra hướng xử lý vấn đề đại biểu chất vấn, nếu không chẳng giải quyết được vấn đề gì", ông Lợi nêu quan điểm. Cũng theo đại biểu, chất vấn không phải ra đưa ra để "nói nặng" nhau mà vì sự phát triển chung của đất nước. Cả người hỏi và người trả lời cũng không nên coi chất vấn là điều gì nặng nề mà phải xem đó là động lực cho sự phát triển.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, lâu nay tất cả các cuộc chất vấn diễn ra rất gay gắt, nhưng hậu chất vấn, nếu chúng ta xử lý tốt vấn đề thì nhân dân càng tin tưởng. "Chất vấn phải là hình thức đối thoại để tìm ra vấn đề tồn tại, yếu kém và cách khắc phục. Tôi nghĩ Quốc hội nên dùng các hình thức đối thoại và phải theo dõi sau chất vấn, các Bộ trưởng có thực hiện lời hứa không, làm đến đâu và làm như thế nào", ông Lợi nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, tính hấp dẫn của phiên chất vấn trong kỳ họp lần này là chưa biết bộ trưởng nào sẽ được đặt câu hỏi. “Tôi quan sát hầu hết bộ trưởng đã chuẩn bị tài liệu khá kỹ. Tất nhiên, Thủ tướng sẽ phân công các Bộ trưởng tham gia trả lời sao cho toàn vẹn và hết ý của đại biểu”, ông Dương Minh Tuấn chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ủng hộ Quốc hội dành thời gian tới 3 ngày cho hoạt động chất vấn. Điều này giúp không gây căng thẳng và áp lực thời gian với các thành viên Chính phủ. Đổi lại, các Bộ trưởng lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng.