Ðại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Bên lề Quốc hội chiều 8/4, các đại biểu nêu những điểm nhấn mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ tới cần tập trung triển khai bên cạnh nội dung đánh giá cao những thành tựu của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2016 đã trải qua một giai đoạn khó khăn, với nhiều biến động cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế xã hội. Dấu ấn đậm nét nhất là đất nước đã duy trì được môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển trước những diễn biến phức tạp, những thách thức lớn về chủ quyền biển, đảo.
Thành công thứ hai, theo đại biểu là đã giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu đầu nhiệm kỳ mức lạm phát ở mức trên 18% năm 2011 và các doanh nghiệp phải chịu mức lãi cho vay trên 20%. Lạm phát có thể dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hàng loạt của nền kinh tế, nhưng với những giải pháp mạnh mẽ, tích cực, Chính phủ đã thành công trong kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát về con số thấp như hiện nay để tạo tiền đề cho những ổn định kinh tế vĩ mô khác.
Thành công thứ ba, trong những năm cuối nhiệm kỳ, Chính phủ đã đưa ra được những hướng đột phá về cải cách thể chế và khởi động quá trình cải cách thể chế- đại biểu phân tích.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân là hai chủ trương đột phá của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Chính phủ nhiệm kỳ tới cần xây dựng được chương trình hành động đảm bảo thực hiện được yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng.
Đại biểu nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ phải làm trong nhiệm kỳ tới để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển đột phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đầu tư công hiện vẫn rất thiếu hiệu quả, năng lực của các doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện nhiều, chuyển biến chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu đột phát để phát triển. Vì vậy, nhiệm kỳ tới đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành và kỷ luật thực thi nghiêm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là kỷ luật thực thi chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, nhất quán. Chính phủ, Thủ tướng nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều chính sách đúng đắn, tuy nhiên do kỷ luật thực thi chưa nghiêm, việc triển khai của các Bộ, ngành chưa đến nơi đến chốn nên hiệu quả của nhiều chính sách còn hạn chế.
Đại biểu dẫn chứng trong việc triển khai cải cách thể chế, rất nhiều chủ trương, chính sách đòi hỏi sự phối hợp giữa các Bộ, ngành tuy nhiên việc triển khai còn thiếu hiệu quả. Các Bộ, ngành, địa phương chưa phối hợp tốt, một số Bộ, ngành còn khá trì trệ đã kéo việc cải cách thể chế bị chậm lại. Do đó, đại biểu khẳng định một yêu cầu quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ là tăng cường kỷ luật thực thi chủ trương, chính sách; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, nhất quán của các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở.
Cũng nhấn mạnh quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng việc thực hiện nghiêm kỷ cương phép nước là một hạn chế trong giai đoạn vừa qua. Vì kỷ cương không nghiêm nên việc thực hiện, triển khai các chủ trương, chính sách không hiệu quả, không phát huy hết giá trị thực tiễn.
Nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng rất đúng nhưng việc tổ chức thực hiện không tốt; giám sát việc triển khai cũng không chặt chẽ. Theo đại biểu Bùi Thị An, trong thời gian qua, từng Bộ, ngành đều đã có nỗ lực, đổi mới nhưng sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong triển khai, thực hiện chính sách cần phải cố gắng hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Đánh giá về nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh 5 năm qua, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, khó khăn nhưng chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng cao là một thành công lớn, là sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị trong đó có vai trò của Chính phủ. Đồng thời, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã vượt qua nhiều khó khăn, giữ được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống.