Gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ, Chủ tịch nước đánh giá cao những cống hiến của các đồng chí, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh An Giang và đất nước thời gian qua; mong muốn bằng kinh nghiệm, trí tuệ của mình, các đồng chí tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước.
Chủ tịch nước cũng đã thông báo với các đại biểu dự buổi gặp mặt về tình hình đất nước trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã triển khai thành công những nhiệm vụ chính trị quan trọng là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, toàn dân ta cả trong và ngoài nước, đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh khó khăn nhất do đại dịch, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội và huy động cả nguồn lực nhà nước, xã hội để chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế. Trong đó, Nhà nước đã xuất 67.000 tỷ đồng để hỗ trợ các vùng khó khăn; huy động lực lượng lớn quân đội, công an vào phía Nam hỗ trợ chống dịch.
Chủ tịch nước cho biết, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhất là dịp Tết này, để không một người dân nào không được đón Tết, không hộ gia đình nào đói cơm lạt muối.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang, địa phương có số dân lớn thứ 8 cả nước, đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn. Các chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách và nhiều chỉ tiêu khác đều đạt kết quả tích cực. Đồng thời, tỉnh có những chương trình lớn đón bắt chủ trương nới lỏng tài khóa của Quốc hội, Chính phủ. Đây là tiền đề quan trọng để An Giang tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Vừa qua, tỉnh đã khánh thành một nhà máy chế biến gạo công suất lớn nhất châu Á, khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, đều là những dự án động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục đoàn kết, các đảng viên phải thực sự nêu gương, đưa tỉnh nhà phát triển, nhất là cần tận dụng các lợi thế của địa phương như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.
Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống cách mạng, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, An Giang sẽ phát huy được truyền thống tốt đẹp, có bước phát triển mới.
* Chiều 18/1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là nhà máy được đánh giá có quy mô lớn nhất châu Á với tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Nhà máy do Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đầu tư tại huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), nơi được bao quanh bởi 4 huyện vựa lúa là Thoại Sơn, Giang Thành của tỉnh An Giang, Hòn Đất, Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày. Lãnh đạo tỉnh An Giang kỳ vọng dự án sẽ giải quyết một lượng lớn nguyên liệu lúa của tỉnh mỗi năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với một nền nông nghiệp như nước ta, việc khuyến khích công nghiệp chế biến là rất cần thiết để tạo giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao đời sống của người nông dân. Chủ tịch nước cho biết, năm 2021, dù dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn rất thành công, tăng trưởng 5,5%. Xuất khẩu đạt gần 49 tỉ USD, trong đó có sản phẩm gạo.
Tuy vậy, vấn đề nâng cao giá trị nông sản vẫn đang đặt ra. Do đó, việc đầu tư nhà máy chế biến gạo hiện đại là hết sức cần thiết, tạo giá trị gia tăng mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Chúc mừng Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc, Chủ tịch nước đề nghị Công ty không chỉ quan tâm đến cạnh tranh sản phẩm trên thị trường xuất khẩu, mà cần thông qua hệ thống dự trữ của mình, phối hợp tốt với người nông dân, không được ép giá lúa của nông dân.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh An Giang tiếp tục hình thành cánh đồng mẫu lớn, thúc đẩy các chuỗi liên kết, để người nông dân làm chủ trên mảnh đất của mình. Cùng với đó là thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, giá trị sản xuất, giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.