Dự buổi lễ có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; đại biểu lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, đại biểu các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, tỉnh Lào Cai có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có lợi thế là trung tâm kinh tế, giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là cửa ngõ quan trọng trong huyết mạch giao thông đường bộ, đường thủy trên Sông Hồng và đường sắt, cửa khẩu quốc tế Lào Cai có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
“Lào Cai có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng lớn, tiềm năng cho phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến. Lào Cai có bề dày lịch sử, giàu truyền thống cách mạng, mang đậm bản sắc dân tộc, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch. Lào Cai có lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển nền nông nghiệp đa dạng. Đây chính là những tiềm năng và lợi thế để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững hơn; hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch ngành, lĩnh vực; tăng cường khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cùng với đó, tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới; coi trọng phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ và phát triển công nghiệp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ: “Lào Cai cần tiếp tục cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; phát triển công nghiệp luyện kim, chế biến sâu các khoáng sản kim loại, apatít. Mở rộng chế biến lâm sản, dược liệu, chè, hoa quả và công nghiệp phụ trợ cho luyện kim, hóa chất. Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, gắn với phát triển du lịch”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, chú trọng phát triển rừng sản xuất; quan tâm phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Lào Cai cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, chủ động điều kiện đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng nhanh qua các cửa khẩu quốc tế. Hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh, quy hoạch chi tiết du lịch các địa phương; mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch. Tập trung phát triển tuyến du lịch Sa Pa, Lào Cai, Bắc Hà; trong đó, xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý tỉnh Lào Cai quan tâm đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cần chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi để phát triển; làm tốt công tác quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị tỉnh Lào Cai chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó cần đổi mới các hình thức tập hợp quần chúng theo hướng gần dân, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu và tại cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của tỉnh Lào Cai, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên cờ truyền thống của tỉnh Lào Cai. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng quà cho 30 thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng của tỉnh Lào Cai. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm hỏi và tặng quà ông Trần Văn Vực, thương binh 2/4, trú tại tổ 29, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai.
Lào Cai nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh biên giới, luôn giữ vị trí trọng yếu trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay từ buổi bình minh dựng nước, Lào Cai đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng ở vùng thượng lưu sông Hồng.
Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai đã cùng cả nước nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, kiên cường chiến đấu, không quản hy sinh, gian khổ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.
Từ ngày có Đảng, Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai đã nỗ lực phấn đấu, từng bước chinh phục tự nhiên, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây dựng Lào Cai từ một tỉnh với điểm xuất phát thấp, nghèo nàn, lạc hậu, trở thành địa phương phát triển của khu vực.
Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lào Cai đã tiến hành công cuộc đổi mới một cách sáng tạo, giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Kinh tế Lào Cai phát triển toàn diện, tăng trưởng nhanh cả về quy mô và tốc độ, năng lực nội sinh của kinh tế từng bước được nâng lên.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vận hành đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh Tây Bắc.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính luôn được đánh giá trong tốp đầu toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Lào Cai trong hơn 25 năm qua đạt 10,5%/năm. Quy mô GDP ngày càng lớn, năm 2010 gấp 6,1 lần năm 1991, năm 2016 gấp 1,8 lần năm 2010.
Sự tăng trưởng giúp Lào Cai dần thoát khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc. Cơ cấu và quy mô nền kinh tế chuyển dịch theo hướng: Giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Nông thôn Lào Cai có bước phát triển với 100% xã có đường ô tô và điện lưới đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường giao thông liên thôn. Đến năm 2016 có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp. Các mặt của đời sống xã hội của tỉnh Lào Cai có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy. An sinh xã hội ngày càng được bảo đảm. Bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng văn minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các gia đình chính sách tỉnh Lào Cai. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên; hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được tăng cường.