Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Ban Kinh tế Trung ương (30/9/1950- 30/9/2014), ngày 30/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc tại Ban Kinh tế Trung ương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng các chuyên gia kinh tế tóm tắt về quá trình nghiên cứu khảo sát, xây dựng Báo cáo tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2014. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2013, mô hình tăng trưởng có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Năm 2013, đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế. Tỷ lệ lạm phát đã giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống 6,81% trong năm 2013.
Cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực trọng tâm đạt được một số kết quả bước đầu có tác động tích cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, cơ cấu lại đầu tư công bước đầu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, giảm đầu tư có tính chất đầu cơ. Cơ cấu đầu tư có chuyển biến hợp lý hơn, hiệu quả đầu tư công được cải thiện tuy còn khá khiêm tốn. Các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa. Về nông nghiệp đã có sự điều chỉnh về cơ cấu đầu tư và tăng khả năng huy động nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ những hạn chế yếu kém, trước hết là chưa có nhận thức sâu sắc và thống nhất cao về mô hình tăng trưởng mới, nhất là về các động lực cho tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng; nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên. Năng suất lao động tuy có cải thiện, nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, hiện đang kém từ 2 – 15 lần so với các nước ASEAN. Hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư thấp. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dài hạn.
Tại cuộc làm việc, các chuyên gia kinh tế đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay, theo đó, mô hình tăng trưởng của nước ta sẽ dựa trên năng suất và hiệu quả hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững, trong đó, về phương thức thực hiện là tăng trưởng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, được thực hiện trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương hai năm hoạt động trở lại, trong đó có các công trình nghiên cứu về tình hình kinh tế của đất nước sau gần 30 năm đổi mới, sơ kết quá trình thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo cáo về tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2014; góp phần nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao phó.
Nêu rõ thời cơ và thách thức trước những dấu mốc mở cửa hội nhập đã cận kề, quan hệ trên các lĩnh vực trong đó có kinh tế đan xen và diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đề nghị trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tập thể lãnh đạo Ban Kinh tế cùng đội ngũ cán bộ, chuyên gia kinh tế sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn chỉnh các báo cáo, đề án trình Trung ương, đóng góp nhiều ý kiến góp ý chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XII.
Về dự thảo báo cáo tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2014 được trình bày và thảo luận lại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng dự thảo nghiên cứu tổng kết của Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra kết quả làm được của cả hệ thống và những tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, trong phân tích, lập luận của dự thảo báo cáo cần đánh giá sát thực tế, nhìn nhận đầy đủ hai mặt tích cực và hạn chế, trên tinh thần cầu thị.
Mặt khác, phương pháp so sánh đánh giá cần tăng cường tranh biện, xác định đúng vị trí, thế mạnh, điểm yếu của kinh tế Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực. Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương quan tâm tiếp tục đi sâu nghiên cứu những vấn đề nóng của nền kinh tế như nợ công, nợ xấu, bất động sản, hiệu quả sử dụng đồng vốn...để giúp cho Chính phủ có những quyết sách điều hành hiệu quả. Chủ tịch cũng nêu ra những tồn tại trong thực tiễn: sức cạnh tranh hàng hóa Việt Nam còn thấp, chi phí sản xuất cao, ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều, chất lượng nhân lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp để lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cùng các Bộ, ngành cùng tiếp thu, bổ sung, làm rõ trong các công trình, đề án nghiên cứu, đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Hoàng Giang