Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong nhiệm kỳ 2018 - 2021 có 24 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm, trong đó có 16 Đại sứ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn...
Một số Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát biểu cho biết đã cơ bản hoàn thành chương trình làm việc trước khi đi lên đường nhận nhiệm vụ công tác; trong đó gặp gỡ, trao đổi, kết nối tại các bộ, ngành, địa phương. Từ đó có những nắm bắt cụ thể, góp phần xây dựng kế hoạch hành động nhằm đáp ứng yêu cầu trên từng địa bàn công tác.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2018 - 2021.
Nhấn mạnh nhiệm kỳ công tác của các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đúng vào giai đoạn có ý nghĩa then chốt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Chúng ta đã đi qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XII và đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ Đổi mới và chuẩn bị hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội XII đã đề ra".
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nêu một số trọng trách đối với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, gồm: Việt Nam đang tích cực vận động để được bầu và sẽ nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đang triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Đối ngoại Quốc hội sẽ phải thực hiện tốt vai trò là thành viên của Ban Chấp hành Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và Phó Chủ tịch IPU trong thời gian tới. Cùng với đó là chuẩn bị tốt nhất để Quốc hội Việt Nam hoàn thành vai trò nước chủ nhà của Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), tổ chức thành công AIPA 41 vào năm 2020 và đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký AIPA nhiệm kỳ 2019-2021.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã được Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai tổ chức, hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tiêu chí để đề cử, bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam tại các nước và tổ chức quốc tế.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn 67 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, ngành ngoại giao nói chung và đặc biệt là Bộ Ngoại giao trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tích, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước với ngoại giao Nghị viện thời gian qua đã chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, cùng đóng góp chung vào việc nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiêu biểu nhất là thành công của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 và gần đây nhất là thành công của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Liên minh Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF 26) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 1/2018.
"Bộ Ngoại giao đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, tham gia ngay từ khi công tác tổ chức, chuẩn bị, triển khai, có nhiều đóng góp ở cả mảng nội dung và lễ tân đối ngoại, góp phần quan trọng vào thành công chung của các Hội nghị", Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhắc lại sự kiện toàn ngành Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 vào tháng Tám vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức một phiên riêng về ngoại giao nghị viện để trao đổi kinh nghiệm và bàn phương hướng thúc đẩy kênh ngoại giao này trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Bày tỏ mong muốn các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực, cụ thể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, cần phải xác định rõ đối ngoại với bên ngoài là để phục vụ người dân trong nước, các địa phương trong nước.
Từ đó, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần nỗ lực tìm kiếm, mang lại nhiều cơ hội phát triển về với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh còn khó khăn, để có thể thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh việc tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối xây dựng và phát triển quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước trên các kênh song phương và đa phương.
Các cơ quan đại diện cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao nghị viện, khai thác ngày một tốt hơn và phát huy hình ảnh của kênh hợp tác đặc biệt quan trọng này trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước; cần tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi đoàn không chỉ ở cấp cao, mà còn ở cấp các cơ quan chuyên môn, các tổ chức nghị sỹ hữu nghị để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò tiên phong để xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam chính nghĩa và yêu chuộng hòa bình, trên cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cùng với công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại để có được sự ủng hộ cả về chính trị, pháp lý, báo chí và dư luận từ cộng đồng quốc tế.
Để làm được điều này, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phải nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước bạn về xây dựng và quản lý Nhà nước để bạn bè quốc tế thấy được quyết tâm đổi mới của Việt Nam, đồng thời tiếp thu được các kinh nghiệm tốt, phù hợp cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng cộng đồng người Việt Nam vững mạnh ở nước ngoài, đẩy mạnh hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng chính là góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. "Đất nước ta càng hội nhập sâu rộng thì công dân, kiều bào và doanh nghiệp của ta ở nước ngoài càng cần đến sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện.
Các cơ quan đại diện cần tạo dựng được niềm tin trong lòng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và là chỗ dựa vững chắc cho bà con ta, phối hợp với chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi để bà con làm ăn, sinh sống; hỗ trợ cộng đồng người Việt hòa nhập và phát huy vai trò ảnh hưởng tích cực ở nước sở tại", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, phải luôn quán triệt lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh triển khai nhiều kênh đối thoại, tiếp xúc, vừa để đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, vừa để tranh thủ tiếng nói ủng hộ của các nước bạn bè.
Bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia cần phải kiên định, nhưng linh hoạt, đồng thời cũng phải có cách nghĩ mới, cách làm mới; đặc biệt cần tận dụng, khéo léo phối hợp chặt chẽ tất cả các kênh đối ngoại.
Chủ tịch Quốc hội mong các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là người đại diện cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc; xây dựng Cơ quan đại diện đoàn kết, vững mạnh, thực sự là những mắt xích chủ chốt trong việc biến nội lực của đất nước thành những lợi thế trong quan hệ quốc tế; nâng cao uy tín vị thế đất nước cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.