Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng bà Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu sang thăm Việt Nam; đánh giá cao và cảm ơn những đóng góp tích cực của bà Heidi Hautala trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư có bước phát triển thực chất và hiệu quả. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ một số nét vắn tắt về tình hình kinh tế -xã hội năm 2018, trong đó GDP tăng trưởng 7,08%; đồng thời thông báo Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Bà Heidi Hautala cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp và cho biết, chuyến công tác tại Việt Nam lần này đã thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU. Hai bên đã thảo luận và thống nhất những nội dung sẽ thực thi trong thời gian tới. Nghị viện châu Âu đang nghiêm túc xem xét để tránh bị chậm trễ trong thực thi.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, bà Heidi Hautala cho biết, Hiệp định VPA/FLEGT có nội dung phát triển bền vững. EU là thị trường chú trọng về nguồn gốc sản phẩm mang tính bền vững.
Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu đánh giá cao về nội dung mà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam chia sẻ, theo đó, năm 2018 vừa qua Quốc hội Việt Nam đã phối hợp tích cực với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức các hoạt động liên quan đến thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, vai trò của Quốc hội trong giám sát tối cao về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như vai trò giám sát nói chung được tăng cường thông qua việc áp dụng Bộ công cụ tự đánh giá bằng tiếng Việt, việc phát triển bền vững của Việt Nam được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Bà Heidi Hautala cho biết, Nghị viện châu Âu cũng có sự tương đồng trong cách tiếp cận về các lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho biết, cùng với cơ chế hợp tác song phương, EP mong muốn thiết lập cơ chế hợp tác với nghị viện các nước ASEAN. Bày tỏ ủng hộ sáng kiến này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để cơ chế này được thiết lập.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA); đồng thời khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, thông qua cửa ngõ Việt Nam, Hiệp định còn tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU với Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp châu Âu nói riêng đầu tư kinh doanh, ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam. Quốc hội Việt Nam sẽ cùng Chính phủ rà soát và nội luật hóa các quy định của Hiệp định; sẽ yêu cầu Chính phủ có báo cáo đầy đủ để Quốc hội có thể phê chuẩn Hiệp định vào thời gian sớm nhất.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với tư cách là thành viên có trách nhiệm và chủ động tại nhiều cơ chế hợp tác đa phương và đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế mới, Việt Nam sẽ nghiêm túc thực thi các cam kết của mình theo quy định của các cơ chế này.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và EU hoàn thành ký chính thức VPA/FLEGT vào tháng 10/2018, đây là nội dung được đề cập trong Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế khung pháp lý về lâm nghiệp. Bên cạnh đó, để nội luật hóa và thực thi có hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam sẽ thúc đẩy việc sớm xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát gỗ nhập khẩu, cũng như các quy định liên quan về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Việt Nam và EU sớm phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại đồ gỗ giữa hai bên và góp phần thúc đẩy tiến trình phê chuẩn EVFTA.