Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên - Huế Cái Vĩnh Tuấn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban bầu cử tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến kịp thời các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác bầu cử.
Ông Cái Vĩnh Tuấn lưu ý, để công tác bầu cử được diễn ra dân chủ, công khai và đúng pháp luật, các đơn vị phải quán triệt và thống nhất từ các khâu phiếu bầu, trang trí khu vực bầu cử, mốc thời gian theo quy định, việc kiểm phiếu, lập các biên bản... Các đại biểu dự hội nghị cần tập trung theo dõi, nghiên cứu, mạnh dạn trao đổi trực tiếp nghiệp vụ về bầu cử, nhất là việc ghi thông tin vào các loại biểu mẫu, biên bản phục vụ cho công tác bầu cử. Trong thời gian diễn ra tập huấn, những vấn đề chưa rõ, còn băn khoăn cần có sự trao đổi để thống nhất trong triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin một số nội dung về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của cuộc bầu cử; nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử; quy định đối với cử tri, danh sách ứng cử viên; bố trí điểm bỏ phiếu và tổ chức ngày bầu cử; việc kiểm phiếu, lập biên bản; kiểm tra, tổng hợp kết quả, ghi biểu mẫu.
Các đại biểu cũng được hướng dẫn về tình hình đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và y tế trong cuộc bầu cử; hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử thực hiện trước, trong và sau ngày bầu cử… Ủy ban bầu cử tỉnh đã giải đáp các thắc mắc, những vấn đề khó khăn trong công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử các cấp.
Theo Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia, tỉnh được ấn định 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; tổng số đại biểu được bầu là 7 người. Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cấp tỉnh ấn định 14 đơn vị bầu cử để bầu 51 đại biểu; cấp huyện là 76 đơn vị bầu cử, bầu 288 đại biểu và cấp xã có 904 đơn vị bầu cử, bầu 3.295 đại biểu.
Đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tiến độ thời gian và kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đối với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp dự kiến tổ chức ngày 16/4.
* Từ ngày 8 - 13/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk thành lập các đoàn đi giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh.
Đoàn tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đối với cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tại các huyện Cư M’Gar, Ea Kar, Krông Ana và Ea H’Leo. Nội dung giám sát, kiểm tra bao gồm: Giám sát việc triển khai, quán triệt Luật Bầu cử; thành lập và hoạt động của Ủy ban bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử; lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử. Ngoài ra, các đoàn còn kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử; tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử.
Theo ông Nguyễn Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra cho thấy các địa phương đang thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử đúng quy trình, thời gian theo quy định. Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai 2 đợt kiểm tra, giám sát về việc niêm yết danh sách cử tri và chuẩn bị hòm phiếu, niêm yết danh sách ứng cử viên, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh. Thời gian kiểm tra từ nay cho đến hết ngày 30/4.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉnh Đắk Lắk Phạm Minh Tấn nhấn mạnh, công tác kiểm tra phải lồng ghép tuyên truyền, thông tin về cuộc bầu cử; giúp cử tri nắm được danh sách ứng cử viên trên địa bàn tham gia ứng cử cũng như tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực của ứng cử viên và quyền bầu cử của cử tri. Ngoài ra, các đoàn cần sâu sát thực tiễn địa phương, kiểm tra việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử và công tác tuyên truyền trong nhân dân để sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5.