Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Dự án) gồm 11 dự án thành phần (6 dự án đầu tư công và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)) với mức vốn Nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án là 78.461 tỷ đồng.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, kết quả đấu thầu có 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu).
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án thành phần sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội.
“Việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai). Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành đầu tư 2 dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích.
Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, trên cơ sở cân đối từ nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư của 2 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của 2 dự án thành phần này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Bởi lẽ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã được Quốc hội khóa XIV xem xét và thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 với tiến độ thực hiện dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2021, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay tiến độ của Dự án đã chậm so với dự kiến.
Thực tế, 2 dự án thành phần này có nhu cầu vận tải rất lớn (xếp thứ hai và thứ ba trong 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP cho thấy sự cần thiết, cấp bách của hai dự án này). Trong khi đó, đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 (3 dự án đầu tư theo phương thức PPP lựa chọn được nhà đầu tư, 6 dự án đầu tư công đang được các nhà thầu triển khai thi công), riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023. Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông không làm tăng tổng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và quy mô đầu tư đã được Quốc hội quyết định.
Trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước; thảo luận về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14…