Đảm bảo bao quát nguồn thu ngân sách nhà nước
Nhất trí cao với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2026 do Chính phủ trình, tuy nhiên, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung chính sách về thu nói chung và luật thuế nói riêng, để đảm bảo tính trung lập của thuế, mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời có cơ chế mạnh hơn nữa với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quang Chiểu đề nghị cần quyết liệt hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, chây ỳ thuế, nợ thuế, đọng thuế. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu khác như bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ... Các chỉ tiêu kinh tế, tài chính vĩ mô này liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Tương tự, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ xem xét và tính toán lại, bổ sung thêm nguồn hỗ trợ từ Trung ương cho các địa phương còn khó khăn, vùng thiên tai, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, hoặc đề án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đảm bảo được yêu cầu chi cho nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm nay phản ánh khá rõ những khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế phí. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó, ngân sách Trung ương đạt 70%, ngân sách địa phương đạt 81% dự toán. Một số địa phương có số thu lớn, có điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng thấp như: Hà Nội 70,1%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 64,8%; Vĩnh Phúc 60,8%; Đà Nẵng 56,4%; Quảng Nam 45,5%; Khánh Hòa 58,8%... Bên cạnh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống trượt giá.
Theo đó, ước thu ngân sách nhà nước năm 2020 giảm khoảng 190.000 tỷ đồng, bằng 12,5% dự toán. Trong khi đó, ngân sách nhà nước vẫn tăng chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ an sinh xã hội: Khoảng 19.000 tỷ đồng phòng, chống, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; 12.500 tỷ đồng hỗ trợ hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi; 2 tỷ đồng cho 11 địa phương miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai, mưa đá, dông, lốc, sạt lở đất; 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; 500 tỷ đồng cho 5 địa phương miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và dự kiến hỗ trợ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng…
Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện thu ngân sách nhà nước giảm, phát sinh lớn khoản chi, yêu cầu đặt ra phải tiếp tục tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí thường xuyên ngoài lương và các khoản tiết kiệm khác.
Đánh giá chung năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, thiên tai, nhưng nhờ dư địa tài khóa tích lũy được qua 4 năm 2016-2019, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020 vẫn đảm bảo được yêu cầu chi tiêu cho nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và nguồn cho đầu tư phát triển theo dự toán năm 2020; qua đó, kích cầu trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Về đánh giá kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Về kinh tế, nếu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2-3% thì bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 5,8-5,9%, trong khi chỉ tiêu đề ra 6,5-7%. Về ngân sách nhà nước, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2020 giảm khoảng 190.000 tỷ đồng dự toán.
“Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tôi cho rằng, cơ bản đạt được các mục tiêu về tài chính, ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, chỉ tiêu về chất lượng nợ công thời gian qua đã được cải thiện lớn. Cơ cấu nợ vay trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, để tránh rủi ro về an ninh tài chính, Bộ trưởng đề nghị phải tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bền vững; đồng thời nâng cao hiệu quả đồng vốn đã vay về cho đầu tư phát triển.
Về dự toán năm 2021, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù có nhiều dự báo tích cực, nhưng sự phục hồi kinh tế thế giới phụ thuộc vào khả năng kiểm soát của dịch COVID-19. Tác động của đại dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước không chỉ trong năm 2020, năm 2021, thậm chí có thể ảnh hưởng trong một số năm tiếp theo. Sau khi làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh năm 2021 khoảng 5,6% - mức khá tích cực trong điều kiện còn nhiều rủi ro.
“Trước dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, yêu cầu phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Về dự kiến kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 trình Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 6,5-7%. Dự kiến, tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh những thuận lợi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, do vậy, để đáp ứng yêu cầu chi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách gắn với cải cách ngân sách nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế thực thu, gián thu ở mức hợp lý; khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế lồng ghép chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn giảm, giãn thuế; đảm bảo tính trung lập của thuế; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng; khuyến khích đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục xây dựng chính sách phân cấp ngân sách để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; nghiên cứu giảm dần cơ chế lồng ghép ngân sách để đảm bảo tính chủ động của ngân sách địa phương.
Về chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo các chế độ, chính sách chi cho con người, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các dịch vụ công thiết yếu.