Cử tri đồng bào dân tộc Mông, bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu) xem danh sách niêm yết cử tri và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tại điểm bỏ phiếu số 2. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Ngày hội bầu cử ở bản làng vùng cao Tây Bắc Sáng 22/5, cử tri trên địa bàn tỉnh miền núi Tây bắc Lai Châu phấn khởi đi bỏ phiếu bầu những đại biểu có đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Khác với không khí sáng sớm vốn tĩnh lặng của bản làng vùng cao Tây bắc, 5 giờ 30 phút ngày 22/5, đồng bào nhân dân các dân tộc ở bản Sáy San 3, một bản đặc biệt khó khăn của xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, Lai Châu đã có mặt đông đủ tại nhà văn hóa bản, thuộc tổ bầu cử số 2 để chuẩn bị bỏ phiếu.
Những bài hát về bầu cử được ngân vang trên hệ thống loa phát thanh khiến không khí trở nên rộn ràng hơn. Ngày bầu cử ngập tràn sắc màu của cờ hoa, băng rôn và biểu ngữ khắp bản làng. Trên gương mặt từ cụ già đến thanh niên, ai cũng đều háo hức và phấn khởi, tay cầm lá phiếu thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình.
Hôm nay, chị Vàng Thị Khoa, dân tộc Mông ở bản Sáy San 3 đã thức dậy từ 4 giờ nấu cơm sớm để 4 cử tri trong gia đình đi bỏ phiếu bầu cử. Chị phấn khởi cho biết: "Trong thời gian sắp diễn ra bầu cử, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu lý lịch của từng ứng cử viên. Tôi sẽ bỏ phiếu cho những người có năng lực, giúp cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc ở đây cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh được cải thiện và nâng cao".
Tổ bầu cử số 3, tại bản Nùng Nàng, xã Nùng Nàng, mặc dù chưa đến giờ khai mạc nhưng đã có rất đông cử tri. Cơn mưa rào vùng Tây bắc ban sớm không níu kéo được bước chân của những cử tri dân tộc thiểu số đi bỏ phiếu vì quyền lợi của mình.
Đúng 6 giờ, tổ bầu cử bắt đầu tổ chức khai mạc. Sau khi nghe phổ biến các quy định về bầu cử, tất cả các cử tri đã đến nhận lá phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ. Công tác bầu cử diễn ra nghiêm túc và an toàn. Hòm phiếu phụ được các thành viên trong tổ bầu cử mang đến tận nhà cho các cử tri vì điều kiện sức khỏe mà không thể đến bỏ phiếu được.
Đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu, cử tri Ma Thị Xâu, dân tộc Mông ở bản Nùng Nàng được người con trai đưa đến tổ bầu cử để bỏ phiếu. Gia đình cử tri Xâu có 5 người đi bỏ phiếu bầu cử, đủ cả ba thế hệ và bà là người lớn tuổi nhất. Với cử tri Xâu, bản thân đã qua rất nhiều lần đi bỏ phiếu nhưng mỗi lần đi lại có một cảm giác mới lạ không thể nào quên. Bà mong muốn: "Những người sau khi trúng cử phải xứng đáng với tâm nguyện của người dân; luôn quan tâm lắng nghe cũng như tích cực đóng góp xây dựng chính quyền vững mạnh".
Nùng Nàng là xã vùng sâu khó khăn của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong đợt bầu cử, toàn xã có 1.590 cử tri với 8 tổ bỏ phiếu tại 8 bản. Để cuộc bầu cử diễn ra đúng kế hoạch, Ủy ban bầu cử xã Nùng Nàng đã tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cũng như tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân; Danh sách các cử tri của xã được niêm yết cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri tham gia bầu cử tại địa phương...
Ông Ma Cang Dinh, Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng cho biết: "Phục vụ cho bầu cử, xã đã trang bị cho mỗi bản một bộ tăng âm và loa phát thanh để thuận tiện trong công tác tuyên truyền. Một điều đặc biệt tại xã, người dân tại 4/8 bản trong xã đã chủ động đề nghị cho đi bầu cử sớm với khoảng thời gian bỏ phiếu là 5 giờ 30 phút, để người dân còn lên nương và phù hợp với đặc thù sinh hoạt của bà con nơi đây. Đây là nguyện vọng chính đáng, chủ động của đồng bào vùng cao trong việc gắn quyền lợi của mình với điều thực tế sinh hoạt"... Đến 10 giờ ngày 22/5, 100% cử tri xã vùng cao Nùng Nàng đã bỏ phiếu xong.
Tỉnh Lai Châu có tổng số 254.439 cử tri. Những lá phiếu là sự tín nhiệm bầu chọn ra những người đại diện cho tiếng nói của người dân. Đối với đồng bào nhân dân các dân tộc ở Lai Châu, những lá phiếu ấy còn gửi gắm đến những người trúng cử có đủ đức, đủ tài những tâm tư, nguyện vọng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phấn khởi thực hiện quyền công dân
Cử tri bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bầu cử số 5, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Hòa chung không khí hân hoan ngày hội lớn toàn dân tộc, ngày 22/5, cử tri của tỉnh Đắk Nông đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thực hiện quyền công dân đối với đất nước. Không khí ngày hội bầu cử đã náo nức ở khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh. Từ trung tâm thị xã, thị trấn cho đến các, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích… với những nội dung tuyên truyền cổ động về ngày bầu cử.
Mới hơn 6 giờ 30 phút, đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số bon Bu Prăng và Bu Rắk, xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã nô nức tập trung về nhà văn hóa cộng đồng, điểm bỏ phiếu số 7 và 8 để tham gia ngày hội non sông. Nhìn ai cũng rạng ngời trong các bộ trang truyền thống.
Sau khi thực hiện quyền công dân của mình, cử tri K’ruch chia sẻ: “Đồng bào trong bon rất vui mừng khi được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trước khi tham gia bầu cử, bà con nơi đây đã tìm hiểu rất kỹ danh sách các ứng cử viên để sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, có năng lực để giúp bà con khu vực biên giới xóa đói giảm nghèo hiệu quả, nâng cao đời sống”.
Xã Quảng Trực có 11 khu vực bỏ phiếu với 4.603 cử tri; trong đó đồng bào dân tộc M’nông chiếm hơn 36%. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên cuộc bầu cử ở xã Quảng Trực diễn ra khá thuận lợi, đúng luật, dân chủ, an toàn và nghiêm túc.
Cũng trong không khí vui tươi phấn khởi của ngày hội non sông, cử tri xã đạo Đức Minh (Đắk Mil) đã đồng loạt đi bỏ phiếu bầu các đại biểu ưu tú vào cơ quan dân cử các cấp. Mặc dù trời mưa, lại rơi vào ngày đi thánh lễ, đông đảo cử tri cũng đã sắp xếp thời gian, công việc gia đình, đến điểm bầu cử từ rất sớm để tìm hiểu thêm về danh sách các ứng cử viên trước giờ bỏ phiếu.
Cử tri Nguyễn Thị Hồng Phúc ở thôn Xuân Trang, xã Đức Mil chia sẻ: “Thông thường, bà con Công giáo, ngày lễ là ngày nghỉ để lo bên thánh lễ, nhưng hôm nay là ngày bầu cử nên ngay từ sáng sớm, tôi đã sắp xếp công việc nhà để tới nhà thờ. Sau thánh lễ, tôi cùng với gia đình đi tới khu vực bỏ phiếu bầu cử cho kịp giờ thực hiện quyền công dân của mình. Tôi thấy không khí của ngày hôm nay nhộn nhịp, rộn ràng, tôi rất vui và phấn khởi”.
Là địa phương có tới gần 98% đồng bào Công giáo sinh sống nên công tác tuyên truyền, vận động luôn được Ủy ban bầu cử xã chú trọng. Các chức sắc tôn giáo cũng được xã mời tham gia tuyên truyền về bầu cử nên bà con giáo dân có ý thức rất tốt trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Tại xã căn cứ cách mạng Nâm Nung, huyện Krông Nô, vượt qua những bất lợi của thời tiết do trời mưa to, đồng bào vẫn đi bầu cử như đi hội. Sau nghi thức khai mạc, cử tri xếp hàng trình thẻ, nhận phiếu bầu cử trong trật tự. Già Y Thi bon Ja Ráh, năm nay đã hơn 80 mùa rẫy và hơn 50 năm tuổi Đảng vinh dự nói: “Tôi đã được nhiều lần đi bầu cử và mỗi lần đều có cảm xúc rất riêng. Tôi đã có lựa chọn riêng và mong rằng những người đó đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Với uy tín của mình, già Y Thi đã cùng với cán bộ thôn xã vận động đồng bào đi bầu cử đúng giờ, không được bầu cử thay. Vì vậy, chỉ hơn 2 tiếng sau khai khai mạc bầu cử, gần 500 cử tri bon Ja Ráh đã hoàn thành xong nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.
Mặc dù trời mưa, nhưng tại tất cả các điểm bỏ phiếu trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa vẫn diễn ra rất sôi nổi. Nhiều cử tri tranh thủ đến các điểm bỏ phiếu sớm để dự khai mạc và tìm hiểu thêm về các ứng cử viên. Tại các bon làng, hầu hết cử tri đều mặc trang phục truyền thống và nô nức đi bỏ phiếu. Cử tri H’Yoan ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi được đi bỏ phiếu nên cảm thấy rất hồi hộp và vinh dự.
Mấy ngày gần đây, tôi và người dân trong bon đi đâu cũng bàn luận với nhau về tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên để bầu chọn người xứng đáng có thể mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cho địa phương. Tôi rất mong những người được bầu chọn sẽ thực hiện đúng những lời mình đã hứa trước cử tri, nhất là quan tâm hơn nữa đến đời sống của bà con ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Với niềm tin, kỳ vọng, bằng lá phiếu của mình, cử tri đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đều mong muốn bầu ra được những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Kỳ vọng rằng tập thể trí tuệ đó sẽ có những quyết sách đúng đắn đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng
Cử tri dân tộc Mông bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số1, xã Vẫn Dính, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN |
Tại tỉnh miền núi Cao Bằng, từ thành phố đến các huyện xã vùng sâu vùng xa biên giới, đồng bào cử tri nô nức tham gia bỏ phiếu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, tạo ra một bầu không khí đặc biệt tại tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số này.
Xã Thái Học, xã vùng III của huyện Nguyên Bình có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Hôm nay, mọi công việc đồng áng đều được người dân tạm gác lại để thực hiện quyền bầu cử thiêng liêng của mình. Từ sáng sớm, khắp các nẻo đường của các xóm, hình ảnh bà con với khuôn mặt vui tươi, phấn khởi trong trang phục quần áo dân tộc đã nhanh chân đến các điểm bầu cử của xóm, xã để bỏ phiếu, bầu chọn người đại diện cho mình tham gia vào cơ quan nhà nước.
Xóm Lũng Chang thuộc tổ bầu cử số 1 xã Thái Học, có 5 đại biểu ứng cử vào HĐND cấp xã. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Ban bầu cử xã đã quán triệt đến các trưởng xóm tăng số buổi họp xóm lên từ 1 buổi/tháng lên 3 buổi/tháng để giúp bà con hiểu được trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri với công tác bầu cử, để lựa chọn được đại biểu ưu tú, giúp địa phương thoát khỏi đói nghèo.
Ông Bàn Kiềm Phụng, cử tri xóm Lũng Chang, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình bày tỏ, hôm nay đi bầu cử tôi cảm thấy rất vui vì bản thân được lựa chọn, bầu ra những người có tài, có đức lãnh đạo đất nước, đưa nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, xóa đói giảm nghèo bền vững tại các tỉnh vùng cao.
Năm nay trong 18 tuổi, lần đầu tiên, cử tri Bàn Hoàng Hường, xóm Lũng Chang được cầm lá phiếu đi bầu cử. Ngay từ sáng sớm, Hường đã mặc cho mình bộ quần áo dân tộc Dao đỏ mới và đẹp nhất. Cùng với các chị em trong xóm, Hường rất háo hức và xem xét kỹ lưỡng thông tin của các đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Em Bàn Hoàng Hường chia sẻ, đây là lần đầu tiên được đi bầu cử, em rất hồi hộp và cũng rất vinh dự khi được lựa chọn những đại biểu tiêu biểu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Trước khi lựa chọn, em đã đọc và tìm hiểu về tiểu sử của các ứng cử viên để có thể bầu những người đủ đức đủ tài, quan tâm nhiều hơn đến đồng bào dân tộc, đại diện nhân dân nói tâm tư nguyện vọng của dân.
Theo bà Đinh Thị Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Thái Học, Trưởng ban bầu cử xã cho biết, Thái Học có 14 xóm hành chính, có 1.230 cử tri, các cử tri đã được tuyên truyền thông tin, luật bầu cử đúng theo quy định. Nhiệm kỳ này có 34 ứng cử viên, các cử tri sẽ bầu ra 20 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Trong đó đại biểu nữ có 12 người, chiếm 35%; đại biểu dưới 35 tuổi có 33 người chiếm 86%; người ngoài Đảng là 11 người chiếm 29%. Xã bố trí 6 tổ bầu cử. Với một lòng tin theo Đảng, Nhà nước, cử tri xã Thái Học đã nô nức đi bầu cử theo đúng quy định. 100% cử tri của xã đã đi bỏ phiếu.
Công nhân các khu công nghiệp nô nức đi bầu cử Công nhân bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 2, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN |
Hòa chung không khí cử tri cả nước đi bầu cử, sáng 22/5, hơn 700 nghìn cử tri là công nhân, người lao động tạm trú tại các nhà trọ, nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi vì có mưa nhưng tại khu nhà ở xã hội phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một đã có hơn 1.900 cử tri là công nhân, người lao động xếp hàng trong trật tự để lần lượt bỏ phiếu. Lần đầu tiên đi bầu cử, chị Lê Thị Tú Anh, công nhân Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore rất háo hức.
Hôm nay, không phải đi làm, chị Tú Anh đi bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 2, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương – điểm bầu cử đặt trong khu nhà ở xã hội. Chị Tú Anh mong muốn những đại biểu được lựa chọn người sẽ quan tâm đến đời sống của công nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù trời mưa nhưng ngay từ sáng sớm, hàng trăm công nhân lao động tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 đã có mặt tại khuôn viên ký túc xá công ty Trách nhiệm hữu hạn Panko Vina để bỏ phiếu. Đây là điểm bầu cử “điển hình” để công nhân đi bỏ phiếu ngay tại nơi họ đang sinh sống. Tổ bầu cử số 19 đặt trong khu ký túc xá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panko Vina còn là điểm bỏ phiếu của công nhân một số các công ty khác. Đến gần 10 giờ, hơn 50% cử tri là công nhân của các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Mỹ Phước I đã làm tròn nghĩa vụ của mình.
Ngày 22/5, tỉnh Bình Dương vẫn có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động sản xuất và có 11.000 công nhân vẫn đang làm việc. Ban giám đốc các doanh nghiệp cam kết vừa sản xuất vừa tạo điều kiện để công nhân đi bầu cử đúng theo quy định.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Dương tỉnh có hơn 1,4 triệu cử tri; trong đó có hơn 700 nghìn cử tri là công nhân, người lao động tạm trú tại các nhà trọ, nhà ở xã hội. Các tổ bầu cử tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ nơi tập trung đông công nhân, công tác bầu cử diễn ra trong trật tự, đúng tình tự và đảm bảo an toàn tuyệt đối.