Đây là lần thứ năm Quốc hội khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với việc thực hiện những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Những mặt tích cực đã làm được tại các kỳ họp trước, được các đại biểu Quốc hội và cử tri hoan nghênh tiếp tục được áp dụng, phát huy tại kỳ họp này, tạo không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi và xây dựng tại nghị trường.
Tiếp tục đổi mới
Diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 không giống với các phiên chất vấn tại các kỳ họp trước. Theo thông lệ, tại các kỳ họp trước, Quốc hội sẽ quyết định nội dung sẽ tiến hành chất vấn qua việc tổng hợp từ phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Các vấn đề được chất vấn tại hội trường đều là những nội dung "sát sườn" với người dân, được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành trọn vẹn 3 ngày nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người được chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và chất vấn việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, kỳ họp này tiếp tục duy trì những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thực hiện hiệu quả tại kỳ họp trước.
Trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 5 lần đầu tiên áp dụng thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút, thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Tại Kỳ họp 6, phương thức hiệu quả này tiếp tục được áp dụng và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, cách làm mới này đã giúp tăng số người hỏi, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung và đòi hỏi các tư lệnh ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, đi đúng trọng tâm.
Qua theo dõi có thể thấy rằng các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra sắc sảo, đề cập đến những vấn đề "nóng bỏng" đang được dư luận quan tâm như chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đối với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc làm gì để quy định nêu gương “chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín” vừa được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) ban hành áp dụng được với các đảng viên hay đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa...
Những câu hỏi ngắn gọn, trực diện vào những vấn đề được xã hội quan tâm được các đại biểu nêu ra đã làm cho nội dung của phiên chất vấn thêm phong phú, hấp dẫn, có những câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng được tranh luận tiếp để đi đến tận cùng của vấn đề đã làm tăng "kịch tính" của phiên chất vấn nhưng cũng cho thấy trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước cử tri và nhân dân cả nước.
Dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm
Sau 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, trưởng ngành; 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Có thể nhận thấy không khí dân chủ, thẳng thắn, đi đến tận cùng của vấn đề qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Diên hồng. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao chất lượng của phiên chất vấn giữa kỳ.
Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) các đại biểu Quốc hội có rất nhiều cơ hội để hỏi, tranh luận lại với các tư lệnh ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì vậy câu hỏi rất chặt, sâu, đi vào trọng tâm trong thời gian 1 phút.
Với thời gian 3 phút trả lời nên các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời cũng đi thẳng vào vấn đề. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định việc thay đổi cách thức giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn, giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến.
Một điểm dễ nhận thấy tại phiên chất vấn là sự tranh luận sôi nổi giữa chính các đại biểu Quốc hội trong phần đặt câu hỏi, nêu vấn đề. Trong 3 ngày chất vấn, 82 lượt đại biểu đã tranh luận, trong đó có nhiều lần đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau.
Đơn cử trong phiên chất vấn sáng 1/11, đã diễn ra sự tranh luận sôi nổi giữa hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) về số liệu phản ánh vi phạm của ngành Công an. Qua những tranh luận công khai tại nghị trường của các đại biểu cho thấy những góc nhìn đa chiều về một vấn đề, đưa ra những nhận định, đề xuất đã giúp tư lệnh ngành có cái nhìn sâu sắc hơn để điều hành đạt hiệu quả cao hơn.
Đây là biểu hiện sinh động của sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Những vấn đề rất nóng của xã hội đã được các đại biểu Quốc hội- những người đại diện cho cử tri và nhân dân mang tới làm "nóng" nghị trường những ngày qua, điển hình như câu chuyện "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng" xảy ra tại Cần Thơ hay hiện tượng trục lợi chính sách người có công, sử dụng lãng phí sách giáo khoa...
Sư điều hành linh hoạt, khoa học và hợp lý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đã đóng góp vào thành công chung của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Qua đó cử tri thấy rằng, những vấn đề cụ thể mà họ đang mong muốn, trông chờ đều được đặt lên nghị trường Quốc hội để bàn thảo, thể hiện rõ nét trách nhiệm vì dân của các đại biểu dân cử.
Là người thường xuyên theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, cử tri Võ Thanh Nghị, cán bộ hưu trí ở thành phố Tân An, tỉnh Long An đánh giá nội dung chất vấn tại Kỳ họp 6 phong phú, đại biểu chất vấn ngắn gọn, thẳng thắn và đi vào trọng tâm, người được chất vấn phần lớn trả lời tốt các nội dung được đặt ra. Hoạt động tranh luận, phản biện diễn ra sôi nổi, giúp các vấn đề được "mổ xẻ" đến cùng, cử tri theo dõi dễ hiểu.
Thể hiện sự hài lòng với những gì đã diễn ra qua 3 ngày chất vấn, cử tri Hồ Quang Khải - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình đánh giá qua chất vấn thấy được tính trách nhiệm, khách quan của đại biểu Quốc hội, cũng như tinh thần thẳng thắn, không né tránh của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Với những gì đã diễn ra trong 3 ngày chất vấn, có thể khẳng định rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã thành công tốt đẹp. Qua việc đặt câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, việc trả lời của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đã cho Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.