Cần có đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông
Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) chất vấn: Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam đã gửi câu hỏi chất vấn việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy. Nội dung này đã được Bộ trưởng trả lời và hứa giải quyết, phấn đấu sau 5 năm sẽ trả lại màu xanh trong cho những dòng sông này. Tuy nhiên, hiện nay môi trường hai con sông này vẫn chưa được khắc phục, tình trạng xả thải từ Hà Nội vẫn chưa được giải quyết. Vậy, quan điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy như thế nào, có quyết tâm thực hiện không, lý do tại sao chưa được giải quyết, thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp khắc phục như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bản thân Bộ trưởng, đại biểu, nhân dân đều mong muốn làm sao môi trường của các dòng sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch sớm được cải thiện tốt nhất. Thời gian Bộ trưởng nhắc đến là sau 5 năm để dòng sông này trở lại xanh, đẹp như xưa nhưng phải kèm một số điều kiện.
Trước hết về quan điểm, để xử lý môi trường các dòng sông, đặc biệt các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn. Người gây ô nhiễm cũng phải chịu trách nhiệm xử lý. Trên thực tế, các dòng sông này liên quan đến các địa phương. Nguồn nước chảy qua các địa phương chưa được xử lý, đặc biệt là nước sinh hoạt từ Hòa Bình chảy về Hà Nam. Đây là trách nhiệm của các địa phương.
Với quan điểm như vậy, Bộ trưởng cho rằng cần có một đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông trong đó có các con sông trên. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan và địa phương còn chưa hiệu quả và chưa bố trí được nguồn lực thực hiện. Cùng với đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt trong điều kiện chưa thu gom và xử lý tập trung.
Bộ trưởng khuyến nghị, chính quyền địa phương cần bố trí, đánh giá các nguồn thải, lựa chọn các mô hình xử lý. Thực tế, Hà Nội đã có 2,3 mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nguồn nước thải sinh hoạt. Với mô hình này, cần tính toán để thu hút xã hội hóa. Tuy nhiên việc này có vướng mắc do có nhiều doanh nghiệp muốn vào nhưng việc lựa chọn các đối tác công tư, các quy trình thủ tục đấu giá không khác quy trình thủ tục của nguồn vốn nhà nước nên cũng làm cản trở hoặc làm chậm việc thu hút nguồn lực xã hội hóa. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng và xác định các doanh nghiệp có công nghệ và năng lực xử lý; đồng thời xem xét lại cơ chế tính chi phí xử lý trong đó bao gồm: Nhà nước, người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian tới, bên cạnh những mô hình đang có, phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các địa phương, tiến hành xã hội hóa; trên cơ sở đó mới giải quyết được vấn đề này.
Ô nhiễm môi trường ở cụm công nghiệp rất nan giải
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) về vấn đề ô nhiễm các khu, cụm công nghiệp, làng nghề hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, nhận dạng được các loại hình gây ô nhiễm môi trường.
Riêng các khu công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra yêu cầu về lộ trình xử lý nước thải tập trung. Hiện nay có trên 80% các khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ: “Ở khu công nghiệp đã có bước tiến đáng kể. Riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải. Trên thực tế, các cụm công nghiệp là do địa phương quy định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và vấn đề đầu tư còn hết sức hạn chế”.
Do đó, tỷ lệ đầu tư hạ tầng đặc biệt là đối với hạng mục xử lý nước thải tập trung, giám sát môi trường của các cụm công nghiệp đang là vấn đề đặt ra xem xét hiện nay. Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung để kiểm soát đối với các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.
Ở khu vực làng nghề, trên cơ sở dữ liệu đã có và việc lồng ghép chương trình mục tiêu với chương trình xây dựng nông thôn, việc triển khai đáp ứng yêu cầu về môi trường đang từng bước thực hiện. Việc chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đều gắn với trách nhiệm quản lý đầy đủ của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp huyện trong quản lý môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, cần tập trung chấn chỉnh công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp do hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các cơ sở tái chế, đã chuyển về các cụm công nghiệp. Các cơ sở này đều trang bị công nghệ lạc hậu, trang thiết bị đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường không đáp ứng thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều cụm công nghiệp có người dân sinh sống nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sức khỏe của người dân.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá lại các tiêu chí đáp ứng yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như cụm công nghiệp. “Đối với các khu công nghiệp, chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên để đến cuối nhiệm kỳ đảm bảo bất cứ khu công nghiệp cũ và mới nào đều phải đáp ứng và tuân thủ các quy định về môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.