Trả lời câu hỏi của TTXVN tại buổi họp báo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong các dự thảo Văn kiện cũng như bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ nguyên nhân để đạt được những kết quả trong nhiệm kỳ XII. Theo đó, Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh những thành tựu quan trọng, mang lại nhiều dấu ấn nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, môi trường, con người, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, những kết quả đạt được là do có sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng; cùng với đó là sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đổi mới của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
“Nhưng điều quan trọng nhất, Văn kiện lần này nhấn mạnh vai trò của nhân dân, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ XII; qua đó thể hiện tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, làm nên nhiệm kỳ thành công với nhiều dấu ấn", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Văn kiện nêu rõ, các nguy cơ đã được chỉ ra trước đó bao gồm: Tụt hậu về kinh tế; quan liêu, tham nhũng, lãng phí; “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; sự chống phá của các thế lực thù địch. Các thách thức đều tương tác lẫn nhau, do đó muốn xử lý vấn đề này phải thực hiện tích cực, đồng bộ, bài bản các giải pháp. Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cùng với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần khắc phục tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng như âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Nhấn mạnh các nguy cơ đều tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp lâu dài, bền vững, trong đó phải có khuôn khổ pháp luật, thể chế để tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thực sự. Cùng với đó, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý nghiêm minh, đồng bộ với công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, những thách thức mới như đại dịch COVID-19, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhiệm vụ khác. Do đó, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch như chống giặc, khẳng định sức mạnh ý chí và sự ưu việt của chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời phải tiếp tục đảm bảo sản xuất kinh doanh và an toàn của người dân.
Bổ sung câu trả lời của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, trước bốn nguy cơ Hội nghị toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994 đưa ra, trong những năm vừa qua, Đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo để đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những nguy cơ này vẫn tồn tại, bên cạnh đó, có thể có một số mặt diễn biến có tính chất phức tạp hơn.
“Bốn nguy cơ này có quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau và nguy cơ nào cũng nguy hại, đều phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, không thể chủ quan, xem thường. Và nếu xét về tổng thể, yếu tố bên trong - yếu tố nội lực của Đảng, đất nước, dân tộc, nhân dân ta là quan trọng nhất, các thế lực thù địch luôn luôn muốn thực hiện diễn biến hòa bình đối với Đảng và chế độ ta”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, nếu thực sự đoàn kết, vững vàng, có bản lĩnh chính trị cao và dựa vào trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, không có thế lực nào có thể ngăn cản con đường phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.