Tới dự và chỉ đạo đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, đại diện các bộ, ngành ở Trung ương. Dự Đại hội có 346 đại biểu - đại diện cho trên 29.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Báo cáo chính trị trình đại hội, trong nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đạt được nhiều thành quả trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 vào khoảng 31,5 triệu đồng. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng "cánh đồng lớn", phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai, một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tỉnh Kon Tum đã thành lập và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông; đang xúc tiến hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Kon Tum và huyện Đắk Hà; hình thành hai vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Kon Plông và Đắk Hà. Diện tích cây Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, trồng mới, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến…
Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum đã được đầu tư hoàn chỉnh; một số tuyến đường có nguy cơ mất an toàn đã được cải tạo, nâng cấp; tuyến tránh đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thành phố Kon Tum và đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24, đã được triển khai xây dựng...
Hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến cuối năm 2020 có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hó a- xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Chất lượng giáo dục - đào tạo có sự chuyển biến tích cực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,05%/năm.
Cùng với đó, nền quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường. Hoạt động đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia đạt kết quả tốt; bước đầu đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương của Nhật Bản, Australia, Pháp...; công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia được triển khai đúng tiến độ. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng vùng dược liệu quốc gia
Phát biểu tại Đại hội, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Tán thành với những mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới đã được xác định trong văn kiện trình Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội nghiên cứu, thảo luận. Cụ thể, Kon Tum cần khai thác hiệu quả lợi thế về kinh tế rừng, đất rừng, đất nông nghiệp để phát triển, hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như các loại cây ăn quả, cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh gắn với nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết giá trị với các doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh Kon Tum cũng cần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ, nhằm tạo thu nhập, sinh kế cho người dân sống gần rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường; đẩy mạnh trồng rừng, gắn với phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao độ che phủ rừng, góp phần thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái rừng bền vững ở Tây Nguyên; phát triển năng lượng tái tạo; rà soát, từng bước thu hồi một số diện tích trồng cây công nghiệp để tạo quỹ đất phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh cũng cần đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch; tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen trở thành điểm đến lý tưởng. Tỉnh cần tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương, đơn vị cần có biện pháp căn cơ, lâu dài nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tổ chức lại sản xuất, tập trung nâng cao trình độ canh tác, từng bước cải thiện đời sống, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Kon Tum cũng cần tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới, đấu tranh, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm phạm đến chủ quyền biên giới quốc gia..; thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tỉnh cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu các đại biểu dự Đại hội tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đóng góp vào những nội dung vừa mang tính vĩ mô, quan trọng của cả nước, vừa sát với tình hình, yêu cầu thực tế của địa phương, cơ sở. Đồng thời, các đảng viên cần đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, cân nhắc, lựa chọn những đồng chí có uy tín cao trong Đảng bộ, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có năng lực thực tiễn, được tín nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá mới…
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; trong đó tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh; tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu của tỉnh thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.
Theo chương trình, Đại hội diễn ra đến ngày 25/9.