Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quan trọng này; thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án Luật. Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này với các luật khác.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn lại nhiều vụ án như đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ Mobifone… Theo đại biểu, tất cả những vụ này đều có điểm chung là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.
"Nếu chúng ta công khai, dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công, trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua”, đại biểu nêu rõ.
Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Đại biểu cho rằng: "về nguyên lý, bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước". Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới.
Góp ý vào nội dung dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu quan tâm đến 3 đối tượng trong dự thảo Luật, đó là tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc và trưởng thôn. Đây là những đối tượng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng nếu theo quy định trong dự thảo, họ thực hiện nhiều nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dân chủ cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề có nên chỉ quy định việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước hay không? Đại biểu đề nghị ban soạn thảo rất cân nhắc vấn đề này, nếu chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, nếu phân biệt dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước thì vô hình chung đã tách dân chủ ở hai khu vực này.
Cũng cho ý kiến liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa được như mong muốn. Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở của Bộ Nội vụ đã nêu nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp.
Đại biểu cũng chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban chấp hành công đoàn cơ sở đề xuất. Việc thực hiện quy chế dân chủ còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể…
Theo đại biểu, việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.
Dự án luật khó nhưng có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc
Giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là một dự án Luật khó, đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể; cũng là một dự án Luật quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc. Phương pháp tiếp cận, cách thiết kế của dự án Luật này đã lấy vai trò chủ thể chủ đạo, trung tâm là nhân dân.
Dự thảo Luật được xây dựng để thể chế hóa phương châm dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Bên cạnh đó là việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ. Luật cũng hướng đến giải quyết được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội. Và dân chủ phải gắn với sinh kế, với dân trí, với dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định phát triển của doanh nghiệp.
Đây cũng là một dự án Luật liên quan rất nhiều luật hiện hành, do đó cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp và không xung đột với các văn bản luật hiện hành. Do đó, cơ quan soạn thảo phải tính toán, cân nhắc để đảm bảo được tính khoa học, khả thi, dễ tiếp cận và từ đó để dự án Luật này thực chất hơn, khả thi hơn.
Đối với việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp được nhiều đại biểu cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nội dung này là kế thừa các quy định trước đó và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng, xung đột các bộ luật, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về lao động Việt Nam tham gia và bảo đảm đưa mối quan hệ hài hòa, hợp tác phát triển. Nếu doanh nghiệp làm tốt thì là biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa và nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các nhóm chủ thể tác động để đánh giá bổ sung, hoàn thiện thêm dự án Luật.