Hoạt động của Quốc hội đã tạo nền tảng đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục vững bước phát triển, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam.
Trong chặng đường 5 năm qua, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, nỗ lực hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài "Dấu ấn Quốc hội khóa XIV".
Bài 1: Đổi mới để phát triển
Dấu ấn sâu đậm nhất Quốc hội khóa XIV để lại trong lòng các đại biểu và cử tri cả nước, đó là sự không ngừng đổi mới, có những thích ứng linh hoạt, phù hợp với xu thế, để nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới sự chuyên nghiệp, gần dân, sát dân và vì dân. Quốc hội đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”.
Ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV (tháng 7/2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động, Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước. Yêu cầu này của người đứng đầu Quốc hội đã được hiện thực hóa trong hoạt động của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Tăng đối thoại nghị trường- điểm sáng nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ khóa XIV, việc chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đánh giá rất cao. Đây là điểm nhấn rõ nét, là một trong những nhân tố tạo nên một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội khóa XIV.
Dấu mốc của sự đổi mới bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến, đổi mới, nhằm tăng tính đối thoại trong hoạt động nghị trường, ghi dấu sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Tại kỳ họp này, phương thức “hỏi nhanh - đáp gọn” lần đầu tiên được áp dụng và phát huy hiệu quả. Mỗi đại biểu có một phút để nêu câu hỏi chất vấn, sau ba câu hỏi chất vấn, người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian mỗi lần trả lời là ba phút. Qua ba ngày diễn ra chất vấn đã khẳng định hiệu quả của việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, giúp tăng số đại biểu hỏi với hơn 200 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn và tranh luận, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung. Việc đổi mới phương thức tổ chức cũng đặt ra đòi hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung câu hỏi.
Nhận xét về hình thức đổi mới của kỳ họp, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, phần chất vấn và trả lời chất vấn đã giúp nhiều đại biểu được nêu câu hỏi, nhiều câu hỏi được trả lời. Điều này khiến không khí của phiên chất vấn trở nên sôi động, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Ghi nhận và đánh giá cao sự đổi mới mang tính đột phá này, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đánh giá, Kỳ họp thứ 5 đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và đại biểu Quốc hội. Nguyên tắc và phương châm hỏi nhanh đáp gọn rất khoa học đem lại hiệu quả cao cho phiên chất vấn. Qua phiên chất vấn, cử tri có thể giám sát được hoạt động của các đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường, giám sát được việc thực thi trách nhiệm của các Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Chính phủ.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận việc hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận sôi nổi tại nghị trường vừa mang tính khoa học, vừa thể hiện sự quan tâm, chuẩn bị kỹ càng của các đại biểu về vấn đề được dư luận quan tâm. Có thể trả lời nhanh được những câu hỏi được chất vấn cũng cho thấy kỹ năng, bản lĩnh, năng lực của Bộ trưởng, trưởng ngành về lĩnh vực mà mình đang quản lý.
Việc đổi mới này trong hoạt động nghị trường đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn, sự kỳ vọng của người dân. Để nâng cao hoạt động chất vấn trước Quốc hội, đòi hỏi chính những đại biểu dân cử cũng như những người trả lời chất vấn phải trau dồi, nâng cao trách nhiệm trước cử tri. Đối với người chất vấn vừa phải tìm hiểu để nắm được những vấn đề cử tri mong đợi, đồng thời tìm hiểu thấu đáo vấn đề để chất vấn trước nghị trường. Đối với người được chất vấn, phải rèn kỹ năng trả lời ngắn gọn nhưng đúng nội dung, tức là phải nắm vững vấn đề được hỏi, có kỹ năng truyền tải thông điệp qua nội dung trả lời.
Làn gió mới từ hoạt động nghị trường cũng nhận được sự đánh giá tích cực của cử tri và nhân dân qua theo dõi trực tiếp trên phương tiện truyền thông đại chúng. Cử tri Vũ Xuân Mạnh, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng) nhận xét, hình thức chất vấn "hỏi nhanh, đáp gọn" đã phát huy được hiệu quả và chấm dứt được những câu hỏi dài dòng, lê thê. Những chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện tinh thần trách nhiệm khi đi thẳng vào những vấn đề mà cử tri quan tâm trong thời gian gần đây.
Ông Lê Văn Tân, cử tri xã Phong Nẫm (thành phố Phan Thiết) nhận xét việc Quốc hội đổi mới về thời lượng hỏi và trả lời chất vấn được cử tri đánh giá cao vì không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn thể hiện năng lực của người hỏi và người trả lời, đi thẳng vào vấn đề chứ không dàn trải. Bởi thực tế có đại biểu hỏi nhưng lại dẫn giải nhiều rồi mới đi đến câu hỏi, sự thay đổi này đòi hỏi đại biểu đặt thẳng câu hỏi và người trả lời phải trả lời vào nội dung chính thuộc trách nhiệm của mình.
Nối tiếp sự thành công và hiệu quả trong đổi mới phương thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ 5, các kỳ họp tiếp sau của Quốc hội khóa XIV đều phát huy được những mặt mạnh của hình thức “hỏi nhanh - đáp gọn”- một dấu mốc để chuyển Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận, tạo nên một “thương hiệu” của nhiệm kỳ XIV.
Trong phiên họp báo đầu Kỳ họp thứ 11, nói về những điểm đổi mới nổi bật của cả nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thể hiện sự tâm đắc đối với những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại nghị trường. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc đổi mới này không chỉ tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được tham gia chất vấn, mà còn giúp các đại biểu có thể tranh luận với các thành viên Chính phủ, đồng thời tranh luận với chính các đại biểu để đi đến cùng vấn đề. Chính điều này tạo nên không khí chất vấn, tranh luận rất sôi nổi tại các kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, ở giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội cũng đã tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về giám sát và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Những vấn đề đã được chất vấn, giám sát đi đến cùng, nhận được sự hoan nghênh từ cử tri và nhân dân - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.
Nền móng cho Quốc hội điện tử
Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thí điểm thực hiện tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Với hỗ trợ của công nghệ đã giúp cho sự điều hành của chủ tọa phiên họp được chính xác hơn. Trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chính thức việc này. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc xây dựng Quốc hội điện tử.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đại biểu và cũng tận dụng tối đa sự ưu việt của công nghệ mang lại, trong phiên họp báo giới thiệu về Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, mỗi đại biểu được cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể xem tài liệu của kỳ họp ở bất kỳ đâu, có thể chuyển đổi từ giọng nói thành văn bản, thuận tiện hơn trong việc tra cứu luật, tìm kiếm thông tin...
Nhận xét về sự đổi mới này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá đây là hình thức rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu; thông tin, tài liệu kịp thời, nhanh chóng. Sự đổi mới này góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng cũng như Quốc hội nói chung.
Năm 2020, sự xuất hiện không báo trước của đại dịch COVID-19 tưởng chừng làm ngưng trệ mọi hoạt động, nhưng dấu ấn của Quốc hội khóa XIV đổi mới, vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không có nghĩa để mọi việc đình trệ. Công việc vẫn phải thực hiện trôi chảy theo kế hoạch, phải thay đổi phương thức làm việc. Việc quyết định họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến chính là đổi mới mang tính đột phá, hiện thực hóa yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội và cũng là biện pháp hợp lý, hữu hiệu nhất để mọi hoạt động của nghị trường diễn ra bình thường trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp để phòng, chống đại dịch.
Kỳ họp thứ 9 mang dấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày. Hình thức này được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá là phù hợp khi cả nước đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID -19, đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, đặt nền móng đổi mới hoạt động của Quốc hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nối tiếp hiệu quả mang lại từ sự đổi mới này, đồng thời trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.
Kết thúc đợt họp trực tuyến đầu tiên, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Các đại biểu khẳng định, phiên họp diễn ra trong không khí dân chủ, nghiêm túc không khác so với hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Phương tiện phục vụ cho họp trực tuyến đã bảo đảm cho phiên họp diễn ra trôi chảy, không có vướng mắc hay trục trặc kỹ thuật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi đó đánh giá hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Theo nhận xét của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao, mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu.
Sau thành công của Kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong một kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.
Dấu ấn ngoại giao nghị viện
Một trong những mốc son Quốc hội XIV để lại trong chặng đường 75 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam chính là những đóng góp trong hoạt động đối ngoại với điểm nhấn đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41). Việc tổ chức thành công các sự kiện này đã thể hiện vai trò, bản lĩnh của Quốc hội Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 18-21/1/2018 tại Hà Nội, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” thành công tốt đẹp, thông qua 14 Nghị quyết, sửa đổi Quy chế Hội nghị nữ nghị sỹ APPF, Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội, với sự đồng thuận cao của các đại biểu. Hội nghị APPF-26 tại Hà Nội đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, mở ra một Tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, sáng tạo, phát triển bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn đối với những thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới.
Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự được chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, truyền tải thông điệp và hình ảnh về Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực, đồng thời thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên APPF đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam.
Ông Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đánh giá Việt Nam là địa điểm hoàn hảo để các nghị viện thành viên thảo luận chủ đề “Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới”, vì Quốc hội Việt Nam thể hiện được vai trò đại diện và giám sát rất hiệu quả trong thời gian qua. Theo ông, ngoại giao nghị viện ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia, mà còn trong nội bộ một quốc gia. APPF phải tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung để không một cá nhân nào, một nước nào bị bỏ lại phía sau.
Trên đà thành công này, năm 2020 Quốc hội Việt Nam tiếp tục ghi dấu tầm ảnh hưởng của mình khi hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, AIPA-41 là Đại hội đồng đầu tiên trong lịch sử AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đã thành công tốt đẹp, có nhiều sáng kiến được đánh giá cao, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA và bạn bè quốc tế.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho rằng Quốc hội Việt Nam đã thể hiện xuất sắc vai trò Năm Chủ tịch AIPA 2020, trong đó điểm nhấn là việc chủ trì tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 theo hình thức trực tuyến, nhằm thích ứng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Việc Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã truyền cảm hứng cho các Nghị viện thành viên AIPA cùng nhau hành động chống lại đại dịch COVID-19, khắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra.
Trong bài phát biểu tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên AIPA năm 2021, người đứng đầu Hội đồng Lập pháp (Quốc hội) Brunei Pehin Abdul Rahman Taib đã đề cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPA trong năm 2020, đó là thúc đẩy ngoại giao nghị viện nhằm đưa khu vực ASEAN hướng tới sự gắn kết và chủ động thích ứng nhanh hơn trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV ghi dấu ấn đậm nét về hoạt động nghị trường trên các phương diện công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao với hoạt động của Nhà nước. Quốc hội ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài 2: Đột phá về thể chế