Xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19
Trình bày tóm tắt Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong bối cảnh năm 2021, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm; đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của cả nước.
Bên cạnh đó, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Đặc biệt đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Điển hình, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8%.
Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã được tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe…
Dự báo tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn
Tóm tắt Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2021, tình hình tội phạm gia tăng, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 86.032 vụ án, tăng 2,1% so với năm 2020, trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện khởi tố. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất (15,2%) chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai. Một số loại tội phạm phát sinh có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, số vụ án xâm phạm trật tự xã hội tăng 6%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm về ma túy xảy ra nhiều vụ với quy mô rất lớn. Dự báo tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn sau COVID-19 do mất việc làm, không có thu nhập và các tranh chấp dân sự, kinh tế sẽ tăng.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 144.437 nguồn tin về tội phạm, tăng 2,2%; đã ban hành 105.717 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, tăng 2,5%; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.312 cuộc tại Cơ quan điều tra… nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ án làm lây lan dịch bệnh và chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ngành Kiểm sát tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao. Chất lượng kháng nghị bảo đảm, riêng tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,6%, vượt 19,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội đất nước
Trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm qua, công tác Tòa án được triển khai trong bối cảnh vụ việc tăng, biên chế giảm, yêu cầu cao, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên đã có những khó khăn nhất định, nhưng các Tòa án đã nỗ lực hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được giao.
Từ 1/10/2020 đến 30/9/2021, các Tòa án đã giải quyết 436.660/537.577 vụ việc được thụ lý (đạt 81,2%). Số vụ việc đã thụ lý giảm 64.675 vụ việc, đã giải quyết giảm 107.944 vụ việc. Các Tòa án đã thụ lý 88.607 vụ án hình sự với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 1.272 bị cáo (đạt 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo). Trong đó, các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có căn cứ, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua năm 2020 và có hiệu tực từ ngày 1/1/2021. Đến ngày 30/9/2021, các Tòa án nhận được 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại; trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 28.004 đơn, đã hòa giải, đối thoại thành công 13.279 vụ việc, đạt 58,31%.
Trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành án hình sự, thi hành Luật Đặc xá cố gắng đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần khẳng định sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và truyền thống khoan hồng, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Theo đó, tổng số việc phải thi hành là 843.917 việc, trong đó, đã thi hành xong 494.505/652.177 việc có điều kiện thi hành, đạt 75,82%. Tổng số phải thi hành trên 289.190 tỷ đồng, trong đó, đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng/148.456 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Về kết quả thi hành án kinh tế - tham nhũng đã thi hành xong 2.697 việc, thu được trên 4.094 tỷ đồng. Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp 9.342 lượt công dân, tiếp nhận 8.894 đơn khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết xong 2.597 việc/2.665 việc, đạt 97,44%. Công tác thi hành tạm giữ, tạm giam còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Vẫn còn nhiều tồn đọng cần giải quyết
Trình bầy báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Về tổng thể, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như hiếp dâm trẻ em tăng 9,26%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 4,19%, gây rối trật tự công cộng tăng 18,73%. Số vụ giết người tuy có giảm (1048 vụ, giảm 7,26%) nhưng xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng công an. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là các hành vi buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy, gây mất an ninh trật tự, một số vụ việc do người sử dụng ma túy bị “ảo giác” thực hiện đã gây bức xúc trong dư luận. Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…vẫn diễn ra công khai.
Một số ý kiến cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân, cần có quy định của pháp luật về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2021, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có nhiều chuyển biến, trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường. Đối với công tác điều tra của Cơ quan điều tra Việm kiểm sát nhân dân tối cao, một số ý kiến cho rằng, dư luận cử tri còn nhiều băn khoăn, cho rằng số vụ án được khởi tố, điều tra vẫn chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số Viện Kiểm sát nhân dân chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong thi hành án hình sự; số người bị tạm giữ phạm tội mới, số phạm nhân bỏ trốn cao hơn năm trước. Việc kiểm sát án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ. Đáng lưu ý, trong thi hành án hành chính, số bản án có hiệu lực thi hành đang còn tồn đọng rất lớn và ngày càng gia tăng nhưng Viện kiểm sát nhân dân rất ít thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của Luật Tố tụng hành chính để thi hành nghiêm túc bản án; số kiến nghị chỉ chiếm 7,4% số lượng án hành chính đang còn tồn đọng.
Về công tác giải quyết, xét xử các loại án, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao về những kết quả đạt được và nhận thấy năm 2021 công tác xét xử gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song, các Tòa án nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác tiếp tục đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội.
Về xét xử các vụ án hành chính, một số ý kiến cho rằng, còn một số bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Tỷ lệ các vụ án đưa ra xét xử, giải quyết giảm so với năm 2020; tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Quá trình giải quyết án, còn có trường hợp vi phạm, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có kiến nghị để khắc phục vi phạm hoặc người có thẩm quyền đã kháng nghị để khắc phục sai sót.
Đối với công tác thi hành án hình sự, các ý kiến cho rằng, so với cùng kỳ năm trước, số người bị kết án phạt tù trốn thi hành án, số phạm nhân phạm tội mới, trốn trại, chết do đánh nhau, chết do tai nạn lao động đều tăng. Việc lập hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn có trường hợp không đủ điều kiện, gây bức xúc dư luận.