Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015), đón Xuân Ất Mùi 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của TTXVN, chia sẻ về những thành quả đã đạt được, cũng như những việc còn băn khoăn, trăn trở, cần phải làm tốt hơn để đất nước phát triển nhanh, bền vững, để Đảng ta mãi trường tồn cùng dân tộc.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
Thưa Tổng Bí thư, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương đã mang lại những kết quả gì nổi bật, những chủ trương, chính sách nào đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực?Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khoá XI đến nay, có thể thấy đất nước ta đã trải qua một giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách. Kinh tế thế giới suy giảm kéo dài, tình hình chính trị - an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, bất ổn, căng thẳng gia tăng ở nhiều nơi.
Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi, nhưng chưa ổn định, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội vẫn là mối quan tâm, lo ngại lớn của xã hội. Tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Năm 2014 đã ghi dấu những chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,98%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt trên 150 tỉ USD, tăng 13,6% so với năm trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 21 tỉ USD. Ngành du lịch đã đón gần 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 37,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 230.000 tỉ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay… 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được hoàn thành và vượt mức đề ra.
Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, lần đầu tiên Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, khẳng định vai trò, vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực…
Trước những diễn biến mới, phức tạp trên Biển Đông, chúng ta đã xử lý kịp thời, đúng đắn, bằng mọi biện pháp khôn khéo, tỉnh táo, trên cơ sở luật pháp quốc tế, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, vừa giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.
Năm qua là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, một số lượng lớn các đạo luật đã được xây dựng, ban hành. Tại các kỳ họp thứ 7 và 8 của Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua 29 dự án luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 28 dự án luật.
Đây là các văn bản pháp luật quan trọng nhằm cụ thể hoá những chủ trương, quan điểm mới của Đảng ta về thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính - tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… để tinh thần, nội dung Hiến pháp nhanh chóng thấm sâu vào đời sống xã hội.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội không ngừng được phát huy. Những thành quả đó đã tạo đà cho đất nước ta, dân tộc ta bước sang năm 2015 với một khí thế mới, xung lực mới.
Đi nhiều nơi, khảo sát thực tế tại nhiều cơ sở, Tổng Bí thư còn điều gì băn khoăn trăn trở, mong muốn làm tốt hơn, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực tế cuộc sống?Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những thành quả đạt được rất to lớn, đáng tự hào, nhưng băn khoăn, trăn trở cũng không ít. Đi nhiều nơi, đến với bà con ở cơ sở, điều day dứt nhất là đời sống của bà con còn khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao.
Đảng ta đã xác định rõ : Cùng với phát triển kinh tế, phải luôn chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta đều phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân, để đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, sung túc hơn.
Sắp tới, công tác xoá đói, giảm nghèo cần được chú trọng làm tốt hơn, hiệu quả hơn, để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Hay những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cần phải được giải quyết thấu đáo, như: Vấn đề đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho nông dân ở những nơi chuyển đổi đất nông nghiệp để hình thành, phát triển các khu công nghiệp.
Ở Hà Tĩnh, tỉ lệ lao động trong nông nghiệp hiện vẫn còn 80%, trong khi nông, lâm nghiệp chỉ chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế, do vậy chuyển đổi cơ cấu kinh tế phải đồng bộ với chuyển đổi cơ cấu lao động.
Những nơi có tiềm năng lớn về phát triển du lịch như Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc... thì phải làm sao tránh được xung đột giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp; cùng với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, phải hết sức chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái...
Trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng, văn hoá nước ngoài du nhập ngày càng nhiều là điều không tránh khỏi, song cần hết sức chú ý giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống chính là một trong những nguyên nhân của tình trạng gia tăng các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Rồi việc chăm lo phát triển giống nòi, nâng cao thể chất, tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam... Do vậy, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Ngay từ khi ra đời, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng đã được đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình hưởng ứng. Vậy trên thực tế, việc triển khai Nghị quyết này có mang lại kết quả như mong muốn, thưa Tổng Bí thư?Đến nay vừa tròn 3 năm kể từ ngày ban hành, có thể thấy Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng đã đi vào cuộc sống. Cả 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết đề ra đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng trong toàn Đảng, tạo chuyển biến rõ nét.
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã trở thành việc làm thường xuyên, gắn với sinh hoạt của từng tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương, qua đó giúp mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn những sai phạm, tiêu cực.
Nhưng không phải chỉ có kiểm điểm phê bình, Nghị quyết Trung ương 4 đề cập toàn diện những vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, về tổ chức, về con người, bao gồm 3 nội dung, 4 nhóm giải pháp. Lấy phiếu tín nhiệm, xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, rồi tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khởi tố, điều tra, truy tố, đưa một số vụ án tham nhũng lớn ra xét xử... chính là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai khá đồng bộ và đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn, phức tạp liên quan đến lợi ích, đụng chạm đến những người có chức, có quyền, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, không thể nóng vội.
Trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được tiếp tục đẩy mạnh, không phải bằng lời nói, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Đồng thời, phải tăng cường biện pháp tuyên truyền giáo dục để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; mở rộng phạm vi tham gia của công chúng và phát huy vai trò của báo chí, công luận trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...