Đề nghị rà soát lại quy mô sân bay Long Thành

Sáng 26/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Làm rõ một số nội dung trong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về Dự án đầu tư xây dựng Cảng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Để tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung của Dự án, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát thực địa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quân sự Biên Hòa và địa điểm quy hoạch Cảng hành không quốc tế Long Thành, Đồng Nai; làm việc với Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – Không quân (đơn vị quản lý đất quốc phòng tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và sân bay quân sự Biên Hòa), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai và lắng nghe ý kiến chuyên gia...

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng hành không quốc tế Long Thành là cần thiết.

Việc đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của Dự án xem có cần thiết sử dụng đến 5.000 ha đất không vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến Dự án là 2.250 ha, bao gồm 1.050 ha đất dành cho quốc phòng và 1.200 đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những đánh giá và đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ cơ sở, thuyết phục Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành cần tập trung hoàn thiện, làm rõ hơn một số nội dung cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát lại quy mô và dự báo hành khách để xác định mục đích xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vai trò trung chuyển.

Đại biểu dẫn có ý kiến chuyên gia cho rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khó phát huy được vai trò trung chuyển vì khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng chỉ có thể làm trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines, Australia.

Tuy nhiên 2 nước Indonesia, Philippines lại rất gần Long Thành nên khó có thể khai thác chức năng trung chuyển, như vậy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ có thể trung chuyển cho Australia. Làm rõ nội dung này để khẳng định được sự cần thiết của Dự án - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.9,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách Nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3.2,8 triệu USD (62,42%).

Thảo luận về nội dung này, một số ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công...

Ngay trong việc giảm đơn giá và mức đầu tư của giai đoạn 1 cũng cần phải giải trình cụ thể nguyên nhân vì sao giảm đơn giá... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến khác đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn về cơ chế thu hồi vốn của Dự án...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Tại buổi làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến cụ thể về các nội dung: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm sinh kế cho người dân sau di dân; về chồng lấn vùng trời bay; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án...

Quản lý hiệu quả hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo


Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về phạm vi điều chỉnh, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đề nghị chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội dung của Luật, đồng thời rà soát để tránh chồng chéo, trùng lắp với các Luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; xác định rõ nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên các vùng biển và hải đảo, bảo đảm không trái Luật biển Việt Nam và phù hợp Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan thẩm tra nhận thấy Dự thảo Luật đã bám sát mục tiêu ban hành Luật là để quản lý có hiệu quả hơn các hoạt điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp.

Nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này có hiệu quả. Trên thực tế ở nước ta, từ năm 2007 việc quản lý biển bằng phương thức tổng hợp đã được triển khai tại dải ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực.

Do vậy, Luật này chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Việc quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trong Dự thảo Luật không trái với Luật biển Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo đã rà soát đối chiếu các quy định trong Dự thảo Luật này với quy định của các luật quản lý loại tài nguyên cụ thể như Luật khoáng sản, Luật dầu khí, Luật thủy sản…; chỉnh sửa, bổ sung Điều 1 theo hướng quy định cụ thể, đồng thời bổ sung nội dung quy định về áp dụng pháp luật để thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh, phân định phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành.

Về tên gọi của Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy Hiến pháp quy định lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; theo Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 thì tên gọi của Luật là “ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo"; Dự thảo Luật đã dành một chương quy định về quản lý tài nguyên hải đảo. Vì vậy, tên gọi “ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo" là phù hợp.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung: điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Chương III); quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đới bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên đới bờ (Chương IV); về “Nhận chìm ở biển”... trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường .


Quỳnh Hoa (TTXVN)
Khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành
Khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành

Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế Trung ương cùng các chuyên gia kinh tế đã đi khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN