Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, đoàn đánh giá rất cao việc sử dụng vốn vay nước ngoài của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 2011-2016. Trong giai đoạn này, thành phố đã vay trên 500 triệu USD và vốn đối ứng khoảng 170 triệu USD, so với nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nguồn vốn trên là khá cao, thể hiện sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự tập trung lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đối với việc huy động các nguồn lực phát triển thành phố.
Thành phố cũng đã có quy hoạch để thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA, tổ chức hợp tác quốc tế tốt từ việc vận động thu hút triển khai của các bộ, ngành làm việc quyết liệt và có hiệu quả, đồng bộ. Về cơ cấu thành phần và đối tác, thành phố Cần Thơ đã thực hiện khá tập trung, gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp (AFD)... để tập trung đầu tư cho 2 chương trình lớn là phát triển đô thị và phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời thành phố còn tranh thủ tìm kiếm các nguồn vốn khác để phát triển nguồn nhân lực, tập trung giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp, giải quyết được nhiều mục tiêu, các vấn đề thiết thực trong đời sống xã hội từ nguồn vốn ODA.
Ông Nguyễn Đức Hải cũng ghi nhận các ý kiến kiến nghị của các sở, ngành thành phố Cần Thơ đồng thời đề nghị thành phố tiếp tục xây dựng định hướng và bổ sung quy hoạch sử dụng nguồn vốn nước ngoài trong giai đoạn mới và thực hiện mục tiêu phát triển thành phố theo cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý để Cần Thơ xứng đáng trở thành thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trong giai đoạn 2011-2016, thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận 8 dự án ODA do địa phương quản lý và 4 dự án Ô (là chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án) thuộc các lĩnh vực như: giao thông, môi trường, phát triển đô thị, nước sạch, cải cách hành chính, y tế, ươm tạo doanh nghiệp, thủy lợi... với tổng vốn đầu tư là 13.795 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 10.237 tỷ đồng và vốn đối ứng là 3.558 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án sử dụng vốn ODA đã góp phần cải thiện đời sống người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Thông qua các dự án ODA, những con hẻm đã được nâng cấp mở rộng, việc đấu nối điện, nước ngày càng đồng bộ, mở rộng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, thoát nước và xử lý nước thải; khu tái định cư tiếp tục được xây dựng và mở rộng theo hướng hiện đại để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về nhà tái định cư...Nhà trẻ, trường mẫu giáo, các cơ sở, dịch vụ y tế ngày càng được đầu tư, mở rộng khang trang góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Các dự án ODA thuộc lĩnh vực giao thông, đô thị như: dự án nâng cấp đô thị thành phố Cần Thơ; dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - tiểu dự án thành phố Cần Thơ; dự án thoát nước và xử lý nước thải; dự án kè sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ.... đã và sẽ góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn, giảm thiểu tình trạng xói lở bờ sông, lấn chiếm dòng sông, giảm thiểu rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm, tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới có rủi ro thấp hơn cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai...
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban ngành thành phố Cần Thơ cũng đã kiến nghị với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần hoàn thiện các văn bản pháp lý, đổi mới trong quy trình và thủ tục quản lý dự án ODA trên cơ sở tham khảo những quy chuẩn của các nhà tài trợ, nhất là trong 3 khâu công việc quan trọng như: đấu thầu, đền bù, di dân và tái định cư. Quản lý tài chính của các chương trình, dự án hài hòa thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án và nhà thầu triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung nguồn vốn ODA cho các dự án đầy đủ, kịp thời và cho phép các dự án được giải ngân theo tiến độ thực tế triển khai; đảm bảo phân bổ đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình và dự án ODA để đạt tỷ lệ giải ngân vốn ODA cao nhất...