Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh cho biết, việc thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thể thao, du lịch, lao động, việc làm an sinh xã hội được tỉnh Thái Bình chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Tỉnh Thái Bình hiện có 731 cơ sở giáo dục. Từ năm 2015 đến 2019, UBND tỉnh đã phân bổ trên 340 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên để hỗ trợ các đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; 100% trường mầm non, phổ thông có thiết bị theo danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Năm 2020, kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo chi thường xuyên được phân bổ 3.225 tỷ đồng, tăng 118 tỷ đồng so với số thực hiện năm 2019. Đội ngũ giáo viên của tỉnh cơ bản đủ về số lượng, có trình độ đào tạo 100% đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn tăng nhanh hàng năm.
Về văn hóa, tỉnh Thái Bình hiện có gần 3.000 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Tỉnh đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 5/8 huyện, thành phố... UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quy hoạch, kế hoạch đưa hoạt động quảng cáo, điện ảnh trên địa bàn đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những bước phát triển, đi vào nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực...
Về du lịch, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Thái Bình, thân thiện với môi trường.
Thực hiện Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai Luật trẻ em 2016, Nghị định số 56 của Chính phủ quy định một số điều của Luật trẻ em trong toàn tỉnh và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh... Đến nay, trên địa bàn tỉnh, trẻ em sinh ra được khai sinh đúng thời hạn, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đều đạt 100%.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã kiến nghị, đề xuất với Quốc hội tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo nhằm nâng cao năng lực, mở rộng quy mô đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề trong những năm tiếp theo; bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em...
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản cụ thể hóa các nội dung quy định tại Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; hướng dẫn quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp; ban hành quy trình thống nhất liên ngành về can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại từ khâu tiếp nhận thông tin, xác định nhu cầu can thiệp, đến khâu kiểm tra, đánh giá, giám sát. Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số văn bản hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn và Luật Giáo dục 2019...
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thể thao, du lịch, thanh niên và trẻ em của tỉnh Thái Bình; đồng thời nhấn mạnh, Đoàn giám sát kỳ vọng, với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Thái Bình còn có thể làm tốt hơn nữa các công tác này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi, gợi mở với tỉnh Thái Bình việc phát huy lợi thế là cái nôi văn hóa lúa nước gắn với đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, trong đó, xác định văn hóa là nền tảng để phát triển kinh tế. Trong tổ chức lễ hội và xây dựng nông thôn mới, có "lượng" rồi, tỉnh cần quan tâm xây dựng về "chất"... Ông Phan Thanh Bình ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo trình Quốc hội từng vấn đề theo thẩm quyền để xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 15/9, các tổ công tác của Đoàn giám sát đã làm việc với một số sở, ngành, huyện của tỉnh Thái Bình về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thể thao, du lịch, thanh niên và trẻ em.