Ông Đào Công Nhanh, Phó vụ trưởng Ban tổ chức Trung ương, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu tai buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN |
Phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Phước Hiệp báo cáo với đoàn công tác về việc thực hiện quy chế làm việc của Tỉnh ủy Bình Dương. Theo đó, toàn tỉnh có 16 đảng bộ cấp trên cơ sở (9 đảng bộ huyện, thị,thành phố, 2 đảng bộ khối, 2 đảng bộ công ty cao su, 3 đảng bộ lực lượng vũ trang); 597 tổ chức cơ sở đảng; 2.148 chi bộ thuộc đảng bộ cơ sở với 44.631 đảng viên; 7 đảng đoàn, 3 ban cán sự đảng... Căn cứ quy định của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc; biên chế, tổ chức bộ máy của các cơ quan đều được thực hiện theo quy định của Trung ương.
Tỉnh ủy Bình Dương chú trọng quán triệt, triển khai và cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về xây dựng, thực hiện quy chế đối với Ban chấp hành, Ban thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cũng như mối quan hệ công tác đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của hệ thống quy chế đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống quy chế làm việc, phối hợp với các đơn vị trực thuộc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng Bình Dương tuân thủ các nguyên tắc và chế độ làm việc theo quy chế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn theo phân công, phân cấp; đảm bảo mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và chấp hành; phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy; tạo được sự chuyển biến tích cực trong thực hiện tự phê bình và phê bình.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện quy chế làm việc việc vẫn còn gặp một số khó khăn, bất cập trong việc xác định thẩm quyền cho ý kiến giữa Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy về pham vi, quy mô, mức độ, giá trị… về những vấn đề quan trọng thuộc các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội, diện tích đền bù giải tỏa, tái định cư…
Tại buổi làm việc, Bình Dương kiến nghị Trung ương nghiên cứu, xác định thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực cấp ủy (tỉnh và tương đương) về phạm vi, quy mô, mức độ của các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội, diện tích đền bù giải tỏa, tái định cư ở từng loại địa phương; nghiên cứu, thể chế hóa bằng quy định Nhà nước tương ứng...
Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn khảo sát cho rằng: Qua buổi làm việc, Đoàn khảo sát hiểu sâu hơn về kết quả thực hiện quy chế làm việc cũng như một số vướng mắc, tồn tại ở địa phương, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Đề án “Quy chế làm việc (mẫu) của các Tỉnh, Thành ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương”. Đoàn khảo sát ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của tỉnh Bình Dương và sẽ tổng hợp, xây dựng Đề án gửi lấy ý kiến các địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền thông qua.