Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch nước đã có rất nhiều các hoạt động chính thức, trong đó có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi và có bài phát biểu trước khoảng 300 chính khách, học giả, nhà nghiên cứu, báo giới Ấn Độ tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru.
Dư luận học giả và báo chí Ấn Độ đã có những đánh giá cao về chuyến thăm, cũng như bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Ấn Độ lần này.
Dưới đây là những ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu và báo giới Ấn Độ về chuyến thăm của Chủ tịch nước trong cuộc trao đổi với phóng viêVN tại New Delhi.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Thủ tướng Narendra Modi chủ trì Lễ đón Lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sang thăm cấp Nhà nước tới Cộng hoà Ấn Độ sáng 3/3, tại Thủ đô New Delhi. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Giáo sư, Tiến sĩ Pankaj Jha - giảng viên cao cấp của Trường Quan hệ Quốc tế (JSIA) thuộc Đại học toàn cầu Jindal, Tổng Biên tập Tạp chí JSIA, cựu Giám đốc nghiên cứu Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ (2014-2017), nguyên Phó giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (2012-2013) và có quan hệ chặt chẽ với bộ máy an ninh quốc gia ở Ấn Độ - nhận định chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mang ý nghĩa tổng hợp, khi kết hợp nhiều yếu tố quan trọng về văn hóa, lịch sử, kết nối, thương mại, năng lượng và củng cố thêm triển vọng chung đối với các vấn đề chiến lược và an ninh trong khu vực. Phái đoàn tháp tùng Chủ tịch nước cho thấy hai nước có thể tìm kiếm nhiều tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
Trong số 3 bản ghi nhớ (MoU) được ký kết, trọng tâm là vào lĩnh vực thương mại và đầu tư, nghiên cứu nông nghiệp và năng lượng nguyên tử. MoU giữa Trung tâm đối tác năng lượng nguyên tử toàn cầu Ấn Độ (GCNEP) và Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) là nỗ lực tăng cường đóng góp năng lượng hạt nhân trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước cũng như việc hai nước hợp tác hướng tới sử dụng tốt hơn y học và nghiên cứu hạt nhân trong lĩnh vực này. Hai nước cần nghiên cứu ở cấp thể chế để hiểu những tác động tiêu cực của phóng xạ và phát triển các biện pháp an toàn để thúc đẩy nghiên cứu nguyên liệu hạt nhân tại các trường đại học.
Trọng tâm hợp tác quốc phòng xét về mặt chế tạo và công nghệ cũng như hỗ trợ về mặt hậu cần thông qua các tàu tuần tra nhanh và tận dụng tốt hơn những trao đổi quân sự cho thấy rõ tầm nhìn của Chủ tịch nước. Chuyến thăm trao đổi thường xuyên không chỉ ở cấp bộ trưởng quốc phòng mà còn ở cấp các thể chế an ninh quốc gia, cũng như việc nhấn mạnh đến cấu trúc an ninh mạng đã cho thấy hai nước đang chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai.
Trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại, thúc đẩy hợp tác theo lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất điện, hydrocarbon, năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hiệu suất và sản xuất, bảo tồn năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, dược phẩm, dệt may, da giầy, du lịch, hóa chất, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công cụ công nghiệp, nông sản và các ngành dịch vụ khác cho thấy hai nước đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, đồng thời tăng cường các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo của mình.
Thêm hai vấn đề cần quan tâm đặc biệt là việc hai nước ủng hộ nhau ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và việc nhấn mạnh đến Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việc đề cập đến khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cho thấy có thể đây là nền tảng cho cấu trúc an ninh khu vực mới. Chuyến thăm này mang tính tương lai và cũng là kế hoạch hành động cho hợp tác tương lai.
Về bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru, Giáo sư Pankaj Jha cho rằng có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu và giới báo chí Ấn Độ tham dự và hội trường đã chật kín, cho thấy công chúng Ấn Độ muốn lắng nghe và hiểu biết thêm về Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, một bài phát biểu rất sắc sảo và mang tất cả các thuộc tính của kết hợp học thuật và sự khéo léo về ngoại giao, Chủ tịch nước đã đề cập tới thuật ngữ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và điều này cho thấy Chủ tịch nước coi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là chỉ dấu báo hiệu mới cho tăng trưởng và hợp tác. Mặc dù vậy, hai đại dương này cũng là nơi có các cuộc xung đột khu vực, các khu vực tranh chấp và có các cường quốc hạt nhân.
Trong khi đề cập tới lãnh tụ Mahatman Gandhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh rằng cần tạo cơ hội và ưu tiên cho hòa bình. Đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN, Chủ tịch nước đã ca ngợi vai trò và kế hoạch chi tiết trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ và làm thế nào để hai khu vực này chia sẻ cùng nhau. Chủ tịch nước cũng đề cập đến đạo Phật và cho rằng lịch sử là sự đóng góp tuyệt vời cho sự hiểu biết tốt hơn giữa hai nước. Cuối cùng, Chủ tịch nước đã nói rõ một cách rất chính xác rằng thương mại và mậu dịch, an ninh hàng hải và kết nối cũng như việc tăng cường quan tâm tới các mục tiêu phát triển bền vững là những lĩnh vực mang tính hội tụ giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ Narendra Modi họp báo sau khi kết thúc hội đàm ngày 3/3. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh hợp tác trong công nghệ xanh, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và quản lý thiên tai là những lĩnh vực khả thi. Điểm sáng nhất trong bài phát biểu của Chủ tịch nước là sự tích hợp liền mạch triết học, tôn giáo, văn hóa, thơ ca, lịch sử, kinh tế, chiến lược và mưu cầu hòa bình với một sự uyên bác và khả năng hợp nhất các khía cạnh khác nhau để làm lay động công chúng và thu hút người tham dự.
Về phần mình Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed - chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề thương mại quốc tế và địa chính trị, hiện đang công tác tại trường quản lý FORE - nhận định chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa quan trọng bởi nó thúc đẩy quan hệ lịch sử và văn hóa giữa hai nước; tạo ra các thiết chế và khuôn khổ mạnh mẽ cho quan hệ bền vững và kêu gọi các giải pháp cho những thách thức địa chính trị về an ninh, quốc phòng. Có thể thấy lĩnh vực quốc phòng là điểm nổi bật của chuyến thăm với các thỏa thuận về tàu tuần tra, các khoản tín dụng trị giá hàng trăm triệu USD, an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đưa ra một thuật ngữ quan trọng là Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Trên lĩnh vực kinh tế, bài phát biểu của Chủ tịch Trần Đại Quang cũng đề cập làm thế nào để đa dạng hóa thương mại - một yếu tố quan trọng mà trước đây chúng ta chưa quan tâm - và hiện nay, sau phát biểu của Chủ tịch nước, cả Ấn Độ và Việt Nam đã nói đến điều này. Như vậy, giao thương giữa nước sẽ có nhiều sản phẩm và lựa chọn hơn. Giáo sư Ahmed nhấn mạnh: "Có thể nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang đã mang đến một động lực và sinh khí mới trong quan hệ hai nước và mở ra một quan hệ bền vững hơn trong tương lai".
Theo giáo sư Ahmed, bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa quan trọng vì khi một nguyên thủ đề cập các lĩnh vực một cách toàn diện, nêu các giải pháp thực tế, quan hệ hai nước chắc chắn sẽ phát triển và trở nên tốt đẹp hơn. Giáo sư nhấn mạnh một nội dung đặc biệt quan trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đưa ra thuật ngữ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và nay khái niệm này đã trở thành chủ đề bàn luận rộng rãi. Khi sử dụng thuật ngữ này, chúng ta nói đến các quốc gia APEC gồm 21 nền kinh tế xung quanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Gần đây, Thủ tướng Modi dùng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với ngụ ý đặt Ấn Độ vào vị trí trung tâm của khu vực. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề cập Ấn Độ Dương như một thực thể và châu Á - Thái Bình Dương như một thực thể và cách thức để kết nối chúng lại với nhau cũng như cân đối lợi ích của cả hai khu vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chú ý đến tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ như một thực thể chủ chốt trong khu vực cũng như vai trò của Ấn Độ tại châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước cũng mời các công ty Ấn Độ vào thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh Ấn Độ hiện có lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Thuật ngữ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đã định nghĩa lại toàn bộ vấn đề. Khi nói Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chúng ta đề cập đến các quốc gia ở Ấn Độ Dương và các quốc gia ở Thái Bình Dương. Nhưng khi đặt “châu Á” vào giữa hai thuật ngữ này thì cả hai khu vực đều trở thành trọng tâm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đưa ra giải pháp là các quốc gia cần làm gì và hợp tác như thế nào. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng như bài phát biểu của Chủ tịch nước đã tạo nên một động lực mới cho quan hệ bền vững trong tương lai lâu dài.
Trong khi đó, bà Vineeta Pandey - Phóng viên cao cấp báo "The Pioneer" và cũng là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ phóng viên thường trú Nam Á - nhận định nhờ Việt Nam mà Ấn Độ trở nên gần gũi hơn với các quốc gia ASEAN cũng như gắn bó hơn về quan hệ và ý tưởng. Ấn Độ cần cảm ơn tất cả những nỗ lực của Việt Nam với tư cách là nước điều phối quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Thật tuyệt vời khi được đón tiếp Thủ tướng và Chủ tịch nước Việt Nam tới Ấn Độ trong vòng khoảng một tháng không chỉ bởi hai nước có quan hệ thân thiết mà người dân Ấn Độ còn có tình cảm gần gũi với Việt Nam. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang càng có ý nghĩa quan trọng bởi diễn ra trong thời điểm 70 năm Ấn Độ độc lập và người dân Ấn Độ rất mong đợi, chào mừng chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn bài thơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Điều này đã tạo ấn tượng thật sự gần gũi. Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ điểm lại quan hệ Ấn Độ - Việt Nam mà còn đề cập đến cách thức mà toàn khu vực có thể cùng nhau phát triển. Việt Nam và Ấn Độ là hai đối tác gần gũi đóng vai trò quan trọng đối với khu vực. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chuyển thông điệp cùng hợp tác thì chúng ta sẽ cùng phát triển, Việt Nam không tìm kiếm đối đầu mà tìm kiếm đối tác, nơi mọi quốc gia ủng hộ lẫn nhau, cùng phát triển và tiến lên phía trước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Về phần mình, Tiến sĩ Arniban Ganguly - Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Syama Prasad Mookerjee - cho biết ông có cảm nhận rằng người dân Delhi cũng như trên toàn Ấn Độ đều mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Chuyến thăm đã tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Ông đánh giá bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru có ý nghĩa lịch sử và giống như một bản tuyên bố bởi là quan điểm chính thức của lãnh đạo Việt Nam.
Quan điểm của Chủ tịch nước về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam và khối ASEAN là rất rõ ràng. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã minh họa và đề ra lộ trình trên tất cả các khía cạnh và chiều hướng. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh cả Ấn Độ và Việt Nam đều đóng vai trò quan trọng đối với ASEAN. Thuật ngữ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đưa ra độc đáo vì hiện nay, trọng tâm thế giới đã chuyển từ châu Á - Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói rất rõ ràng về vai trò của Ấn Độ Dương và làm cách nào để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và toàn khu vực có thể tạo nên ngôi nhà thực sự của ổn định, thịnh vượng và hợp tác toàn cầu.
Tiến sĩ Arniban Ganguly cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn và thuật ngữ Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc bởi nó đã khởi đầu cho rất nhiều tranh luận. Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ nói về các khía cạnh và khả năng thuận lợi mà còn đề cập các thách thức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập khu vực này vừa hợp tác vừa cạnh tranh; đồng thời chỉ ra rằng thách thức là hiện hữu và ASEAN, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ phải giải quyết những thách thức này. Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tương lai và ổn định của ASEAN.