Góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành, bảo đảm gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách hành chính. Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, thông qua các đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện pháp luật về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Về kết quả tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh, đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”; tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa; chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã chú trọng việc phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật dưới nhiều hình thức như thực hiện phổ biến qua fanpage, zalo, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến.
Tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 26/8/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 99 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 91/99 văn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trong số văn bản trái pháp luật đã phát hiện, không có văn bản quy định chi tiết.
Về việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm, nợ ban hành trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, nhắc nhở trực tiếp các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, xác định đó là một trong những tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ. Về phía các bộ, nhiều Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Các cuộc họp giao ban của các bộ tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm tra văn bản
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra đánh giá, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được coi trọng. Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, việc ứng phó với tình hình dịch COVID-19 thời gian qua ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa bảo đảm sự thống nhất. Chính phủ cần bổ sung đánh giá cụ thể hơn về việc tuân thủ tính kịp thời, đầy đủ trong tổ chức triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua trong năm 2020 - 2021 của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung đánh giá cụ thể hơn về một số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện và nêu ra tại một số báo cáo giám sát của cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý kịp thời; một số ngành còn chưa chủ động trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do mình tham mưu để trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; một số luật, pháp lệnh đã ban hành và tổ chức thực hiện từ lâu, đòi hỏi phải có sơ kết, tổng kết việc thực hiện để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; cần đánh giá về tình hình theo dõi thi hành pháp luật và quan tâm hơn nữa để có sự gắn kết đồng bộ giữa việc theo dõi, rà soát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết văn bản với việc xây dựng và thực hiện pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Báo cáo chưa chỉ ra cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đã thực hiện như thế nào; giải pháp mà Báo cáo nêu ra là chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm hơn việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Đối với 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi Luật có hiệu lực được thực thi nghiêm túc. Đối với các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc soạn thảo trình Chính phủ ban hành. Ngoài ra, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội.