Gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách

Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”, do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức đã khai mạc sáng 20/12, tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế cùng hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Diễn đàn nhằm tạo lập cầu nối chia sẻ thông tin và thảo luận các giải pháp, chính sách để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với tình hình trong nước và xu thế quốc tế. Chủ đề xuyên suốt được đề cập trong ba phiên tọa đàm của Diễn đàn là “Tổng quan tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Hành trình vươn ra biển lớn”, “Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế”; “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.

Hội nhập kinh tế quốc tế - động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội


Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: cách tiếp cận về hội nhập kinh tế ở một số nơi có lúc còn phiến diện, ngắn hạn và cục bộ, do đó chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đổi mới trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết với qúa trình nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam, với trên 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã bộc lộ những điểm yếu về tư duy chiến lược, về trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh khi phải thực thi các cam kết hội nhập ngày càng sâu rộng.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao. Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải làm gì, phải phối hợp như thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn tới.

Tại Diễn đàn, các đại biểu trong nước, quốc tế đã trao đổi, thảo luận sâu về các vấn đề thời sự hội nhập kinh tế quốc tế, đang có tác động trực tiếp tới chính sách hội nhập kinh tế quốc tế từ cấp trung ương đến địa phương, gồm: đánh giá kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bao gồm tác động của hội nhập kinh tế tới tình hình kinh tế xã hội sau 10 năm gia nhập WTO; xem xét những hiện tượng, xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế và dự báo tác động của chúng tới kinh tế thế giới và Việt Nam; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế…

Gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách

Khẳng định thời gian qua Đảng và Chính phủ đã chủ động hội nhập và đạt được kết quả khả quan mà thể hiện rõ nét nhất là lần đầu đầu tiên xuất siêu đạt hơn 3 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 có thể đạt tới 420 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến vai trò của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với trên 24.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 320 tỷ USD; nhiều sản phẩm chất lượng, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu; nhiều dự án có công nghệ hiện đại; người lao động được quan tâm và ứng xử tốt hơn.

Một thành quả khác có được từ kết quả của hội nhập kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực được Thủ tướng đề cập, đó là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, quả vượt cả gạo và xăng dầu - lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn những tồn tại, bất cập, nhiều cơ hội còn bị bỏ lỡ. Điều đầu tiên được Thủ tướng chỉ ra là việc cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập.

Sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh chưa được các bộ, ngành, địa phương phát huy tốt. Nhận thức hành động của một số ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân về hội nhập chưa đầy đủ, nên hành động chưa đủ quyết liệt để xoay chuyển tình thế. Sự trì trệ, phức tạp trong thể chế chưa phù hợp với sự phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế, mà chủ đề APEC 2017 vừa qua là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã cho thấy điều này.

Cùng với Nhật Bản, Việt Nam và các nước thành viên khác đã ra Tuyên bố chung về triển khai để sớm ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP). Bên cạnh đó, Việt Nam thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.

“Xu hướng này, tư tưởng này phải được quán triệt mạnh mẽ hơn trong mọi cấp ủy, chính quyền các cấp, trong nhân dân, doanh nghiệp, các ngành”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Với việc thực hiện các cam kết hội nhập, Việt Nam đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ bên trong nền kinh tế, từ việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu đến đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển” để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn.

“Chúng ta trì trệ mãi thì khó cho sự phát triển của đất nước”, theo Thủ tướng. Vì vậy, Thủ tướng đặt ra yêu cầu những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết của doanh nghiệp, người dân phải được xóa bỏ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư quốc tế.


Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ đồng bộ trên tất cả các phương diện. Các Bộ, ngành, địa phương cần chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách. Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các hiệp định thương mại tự do; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện.

“Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng. Chúng ta phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Trước hết là thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế”, Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các Hiệp định thương mại tự do để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo, vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế.

“Trong thực thi các Hiệp định thương mại tự do, Chính phủ phải có những biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ phù hợp với những lĩnh vực tạm thời còn khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên. Chính phủ phải có chính sách tốt hơn cho phát triển và hội nhập, nhất là một số lĩnh vực là thế mạnh của nước ta như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin và du lịch là những lĩnh vực có lợi thế so sánh, từ đó có chính sách để khuyến khích phát triển”, Thủ tướng nêu.

Đồng tình với ý kiến các đại biểu, Thủ tướng cũng nêu rõ phải tập trung phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước hết, cần tập trung giải quyết một số vấn đề như năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp…

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.

Nhất là tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam... Cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết /NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN