Tạo thuận lợi cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển
Cử tri Trần Văn Thụ, cán bộ hưu trí đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế cho rằng: Điểm nổi bật nhất trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2017 là Chính phủ hoàn thành 13/13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, qua đó tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2018. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm xem xét tháo gỡ vướng mắc để ngành nông nghiệp phát triển vì ngành này còn rất nhiều tiềm năng. Nhà nước cần xem xét sửa đổi chính sách hạn điền để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Theo cử tri, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần thông thoáng hơn để các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn mua máy móc, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhà nước cần hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại… trong việc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thuận, cán bộ hưu trí, trú tại đường Nguyễn Trường Tộ, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế đề xuất: Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Việc thực hiện tinh giản biên chế phải trên tinh thần quyết tâm cao nhất, thực chất, không cào bằng mà căn cứ vào điều kiện thực tế vùng miền, bộ, ngành.
Các địa phương cần kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cán bộ không làm được việc, quan liêu; cân nhắc sáp nhập các tổ chức, cơ quan có cùng chức năng, nhiệm vụ, cơ quan trung gian, hạn chế thành lập mới, chia tách đơn vị hành chính, đơn vị cấp phòng, vụ, cục, tổng cục. Đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, cần tăng cường thông tin minh bạch các dự án, quy hoạch, thủ tục hành chính, kê khai tài sản của cán bộ… để người dân tham gia giám sát.
Sâu sắc, sát với tình hình thực tế
Ông Cầm Chí Kiên, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhận xét các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội rất sôi động và trách nhiệm. Các đại biểu đã phát biểu chi tiết về kết quả, tồn tại và nêu ra các giải pháp. Các đại biểu tranh luận về các vấn đề liên quan; lãnh đạo của các bộ, ngành cũng tham gia thảo luận để làm rõ trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng. Đồng thời, các ý kiến của cử tri ở mọi vùng miền trong cả nước gửi gắm đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh qua phiên thảo luận. Các ý kiến của đại biểu đều ngắn gọn, súc tích.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế tỉnh Sơn La Trần Minh Dũng, khi nghe báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, các cử tri rất phấn khởi. Bởi trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã điều hành và hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội giao. Việc này đã cổ vũ, khích lệ, động viên nhân dân cả nước cũng như đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện chương trình hành động hết sức quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ khuyến khích phát triển, đồng thời chỉ ra những điểm còn yếu, còn khiếm khuyết, tạo sự đồng thuận, có cách nhìn, cách hành xử mới đối với các địa phương và nhân dân…
Cử tri Nguyễn Văn Việt, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, cho rằng: Nội dung các đại biểu Quốc hội khóa XIV thảo luận chiều 1/11 phong phú, đa dạng về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, có nhiều ý kiến sâu sắc, sát với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, một số đại biểu phát biểu ý kiến mang tính chất địa phương, chưa có tính khái quát chung.
Cử tri Nguyễn Văn Việt tâm huyết với ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Hà Giang, tỉnh Sóc Trăng. Các đại biểu này đã nêu được những vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Cử tri Nguyễn Văn Việt cho rằng Chính phủ cần công khai vấn đề phân bổ ngân sách để người dân thực sự được giám sát, có như vậy mới thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo cử tri Trần Tuấn Hoàng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Tuấn Hoàng, thành phố Quảng Ngãi, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017 đã đạt và vượt các chỉ tiêu là tín hiệu tốt… Để đạt được những nhiệm vụ của năm 2018, cần dựa vào nội lực, nhưng quan trọng là phải giảm bội chi, giảm chi tiêu trong các cơ quan, bộ máy của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.