Giải trình của PTT Nguyễn Xuân Phúc tạo niềm tin trong nhân dân

Chiều 12/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, phần báo cáo, giải trình, làm rõ của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri về nội dung này.

Giải trình của Phó Thủ tướng đã tạo niềm tin trong dân

Theo dõi phần báo cáo, giải trình của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, cử tri Trần Mạnh Long, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum đánh giá cao cách giải quyết của Chính phủ trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam cần có thêm nhiều buổi tiếp xúc, cung cấp đầy đủ hình ảnh để cả thế giới biết sự thật về các hành vi sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các biện pháp của Chính phủ đối với việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển cũng như các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã thực sự mang lại niềm tin cho người dân.

Theo cử tri Trần Mạnh Long, Chính phủ cần hỗ trợ người ngư dân đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn, phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ để vươn xa góp phần bảo vệ chủ quyền thiên liêng của đất nước. Ngoài ra, cũng cần phải hình thành các trung tâm hậu cần để vừa cung cấp nước ngọt, dầu, thực hiện công tác cứu chữa cho ngư dân đồng thời thu mua, bảo quản hải sản cho ngư dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Đồng quan điểm với giải trình của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cử tri Đỗ Phú Mạch, Giám đốc Công ty TNHH Tín Hưng Kon Tum kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hoá, đây cũng là một trong những giải pháp giúp Chính phủ giảm nợ công. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung đầu tư vào phương thức sản xuất tập thể cho ngư dân ở trên biển.

Tin tưởng vào các giải pháp ứng phó với tình hình Biển Đông

Cử tri Quảng Ninh đồng tình và đặt niềm tin vào Chính phủ trong việc cương quyết đấu tranh trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đặt hạ giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là tâm tư của đông đảo cử tri Quảng Ninh khi nghe báo cáo, giải trình làm rõ của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chiều 12/6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Luật sư Hoàng Quốc Huy, Trưởng Văn phòng Công chứng Cẩm Phả cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc việc đưa vụ việc trên ra Tòa án quốc tế để tìm công lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; tìm hiểu thêm những tiền lệ án quốc tế đối với những vụ tranh chấp tương tự. Thời điểm này cần tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của thế giới đối với vụ việc trên.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải Hoàng Đức Hưng đánh giá cao việc Chính phủ đang nỗ lực tìm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tìm các biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tìm kiếm thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế, nhất là Trung Quốc. Ông Hưng nhận định: mở rộng đa dạng hóa thị trường trong nhập khẩu và xuất khẩu, phát huy nguồn nguyên liệu trong nước, phát huy thị trường nội địa sẽ tạo ra nền kinh tế tự chủ. Đây chính là hướng đi lâu dài, góp phần ổn định kinh tế trong nước, xây dựng được nền kinh tế đủ khả năng ứng phó với những tình hình xấu.

Về những vụ việc xảy ra vừa qua gây thiệt hại tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cử tri Quảng Ninh đánh giá cao những ứng phó kịp thời của Chính phủ như: hỗ trợ nhà đầu tư về bảo hiểm, bổ sung lao động, giảm và giãn thuế, cải cách thủ tục hành chính... đã thực sự củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa

Đại diện cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao các chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm nay.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ và tài khoá. Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương thực hiện đồng bộ nhiều chính sách kích cầu thị trường, nhất là thị trường bất động sản, trong đó có những gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vay, tạo lực cầu thật sự cho những người có nhu cầu về nhà ở. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện khá linh hoạt về lãi suất, xu thế lãi suất ngày càng giảm trong thời gian gần đây đã góp phần hỗ trợ, kích thích tiêu dùng và đầu tư. Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính siết chặt đầu tư, chỉ tập trung vào những dự án thực sự có hiệu quả. Lĩnh vực đầu tư công đã có nhiều cải thiện, chủ yếu tập trung vào dự án có tính cấp thiết, mang tính lan tỏa đối với nền kinh tế... Đặc biệt, sau vụ gây rối ở Bình Dương và Hà Tĩnh vừa qua, Chính phủ đã có các biện pháp chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh. Những điều này đã tạo nên bức tranh kinh tế khá ổn trong 6 tháng đầu năm.

Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một mặt cần khuyến khích các doanh nghiệp duy trì các đối tác muốn làm ăn lâu dài; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các đối tác, thị trường mới để đa dạng, mở rộng và ổn định sản xuất. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, cần lựa chọn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mang tính trọng yếu, thực sự lan toả đối với nền kinh tế - xã hội, để tạo cho các khu vực khác phát triển; thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiền mặt cho thanh toán là rất lớn nên Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, vừa có lượng tiền trong lưu thông, vừa đủ cho nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt, vừa đảm bảo ngoại hối cho nhu cầu xuất nhập khẩu, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Mong các chính sách hỗ trợ ngư dân sớm được thực thi

Với tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng, các chính sách hỗ trợ cho ngư dân của các cấp ngành Trung ương và địa phương hiện nay là hết sức cần thiết. Chính phủ cần tiếp tục duy trì có các chính sách hỗ trợ, đảm bảo cho ngư dân có thể hoạt động đánh bắt an toàn trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam như: hỗ trợ đóng tàu công suất lớn, trang bị phương tiện thông tin liên lạc cần thiết...

Nêu ý kiến về tình hình biển Đông, ông Vương Liêm – Chủ tịch Hội người cao tuổi Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng ngư dân cần được trang bị đầy đủ về phương tiện đánh bắt, trang bị thiết bị thông tin liên lạc hiện đại... Muốn phát triển mạnh kinh tế biển, ngư dân chính là nguồn chủ lực, khai thác và hoạt động trên vùng biển. Về lâu dài, Chính phủ cần đặt mục tiêu khi làm kinh tế biển là phải hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, phương tiện liên lạc, đồng thời cải thiện nâng cao chất lượng đời sống cho ngư dân. Tại những khu vực ven biển, các cơ sở hạ tầng cần được xây dựng vững chắc, kiên cố để bảo vệ người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nhiều cử tri tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ đồng tình, hoan nghênh, Đảng, Chính phủ đã chủ động ứng phó với những sách lược mềm dẻo, hợp lòng dân dựa trên giải pháp tôn trọng Luật pháp quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân, cần khảo sát thực tế tại từng địa phương để thực hiện có hiệu quả nhất. Ông đề nghị, khi cho ngư dân vay tiền đóng tàu gỗ, tàu vỏ thép cần tinh giản về mặt thủ tục, thế chấp để tránh rườm rà, ngư dân mau chóng tiếp cận được vốn vay để đóng tàu vươn khơi xa khai thác thủy sản. Theo ông, chủ trương đóng tàu vỏ thép là kịp thời, phù hợp với xu thế hiện nay.

Cử tri Nguyễn Thành Nam ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn kiến nghị, Chính phủ quan tâm kéo dài thời gian cho vay để ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung có điều kiện trả nợ vì nghề biển là nghề rất khó khăn; mở lớp tập huấn cho ngư dân về kỹ thuật lặn, truyền đạt kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu để ngư dân chủ động hơn khi đánh bắt trên biển, hạn chế tối đa tai nạn…


Phóng viên TTXVN tại các địa phương



Trả lời của các “tư lệnh” ngành cơ bản đi thẳng vào vấn đề
Trả lời của các “tư lệnh” ngành cơ bản đi thẳng vào vấn đề

Sau 2,5 ngày (từ chiều 10 - 12/6), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã nêu những nhận xét về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN