Giám sát chặt chẽ các dự án giao thông để giảm phần chi phí tăng không cần thiết

Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn, chiều 4/6, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải đáp một loạt câu hỏi đại biểu đặt ra về tình trạng tăng trưởng nóng, mất an ninh hàng không; tình trạng phí chồng lên phí; việc công khai thu phí BOT…

Mất an ninh hàng không

Trước đó, vào cuối buổi sáng, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã đặt vấn đề về việc cử tri phản ánh hằng năm phải đóng phí giao thông đường bộ, phí này để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường cũ nhưng đường cũ xuống cấp không đi được, đi đường nào người dân cũng phải trả phí, phí chồng lên phí.

Lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho thấy, doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ hưởng những chính sách theo quy định của Nhà nước, việc thu phí của các doanh nghiệp BOT là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi người dân nộp phí giao thông đường bộ, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho toàn bộ hệ thống mạng đường quốc gia cũng như đường địa phương. Còn riêng những dự án BOT, nhà đầu tư kinh doanh và có trách nhiệm trong thời gian khai thác dự án này phải tổ chức duy tu, sửa chữa, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

“Chúng tôi cũng có những văn bản chỉ đạo, nếu những dự án BOT không đảm bảo chất lượng tốt thì chúng tôi sẽ dừng không cho thu phí và trách nhiệm đó thuộc về các nhà đầu tư BOT, để thấy rằng nhà đầu tư BOT kinh doanh trong quy định của Đảng và Nhà nước nhưng cũng phải có trách nhiệm bảo dưỡng, bảo trì như chúng ta nộp phí”, Bộ trưởng cho hay.

Liên quan đến băn khoăn của đại biểu về việc tăng trưởng nóng trong ngành hàng không và tình trạng mất an ninh, an toàn hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, trong thời gian qua, có xảy ra một số sự cố về kỹ thuật, liên quan đến một số vụ việc “cảm thấy nó ảnh hưởng đến an ninh hàng không, nhưng không phải là tai nạn hàng không”. Theo ông, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra giám sát và Ủy ban An ninh hàng không do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Chủ tịch cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc này để nâng cao mức độ an toàn giao thông hàng không, vì tai nạn ở lĩnh vực này xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng.

“Có thể nói không phải vì lý do tăng trưởng nóng mà xuất phát mỗi chuyến bay, chúng ta đều bố trí cán bộ đúng quy định, do đó có thể nói yếu tố chủ quan và yếu tố sơ sót về mặt kỹ thuật là yếu tố chính, tuy nhiên chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến này để rà soát lại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trả lời đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về một số công trình giao thông lớn hiện nay Bộ đang triển khai phải điều chỉnh giãn, hoãn tiến độ rất nhiều và tăng tổng mức đầu tư rất lớn, hàng ngàn tỷ đồng, Bộ trưởng đã giải đáp khá rõ về căn cứ pháp lý để tăng tổng mức đầu tư và trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải đối với việc này.

Dẫn chứng từ dự án đường số 1 Bến Thành – Suối Tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua Chính phủ giao cho Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định, Bộ trưởng cho biết đã phát hiện ra một số nguyên nhân làm tăng chi phí. Một là giai đoạn 2009- 2010 nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng rất cao, giá cả tăng liên tục nên khi chúng ta phê duyệt dự án chắc chắn bị trượt giá. Thứ hai là dự án này là dự án tư vấn trong nước. “Lập dự án chúng ta đưa ra quy mô, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng khi triển khai Thành phố Hồ Chí Minh thấy rằng nếu để đáp ứng đến năm 2030 thì quá ngắn và nhu cầu xu hướng hiện nay đang tăng rất cao, do đó điều chỉnh quy mô, tầm nhìn đảm bảo đến năm 2040, đồng thời đưa vào những công nghệ mới với lưu lượng lớn, mở rộng cả cầu, đường dẫn, dẫn đến tăng quy mô, tăng kinh phí”, Bộ trưởng nói.

Với một số dự án khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khi triển khai không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian nên cũng phát sinh chi phí do trượt giá, do nhiều yếu tố. Thời gian tới, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ cùng các địa phương giám sát chặt chẽ những dự án lớn để giảm đi phần chi phí tăng không cần thiết.

Công khai việc thu phí BOT

Quan tâm đến việc công khai thu phí BOT, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi “Bộ trưởng cho hay chưa công khai được thu phí BOT bởi vì đang đợi quyết toán. Vậy xin hỏi Bộ trưởng tại sao chưa quyết toán, chưa biết tổng mức đầu tư thì dựa vào cơ sở nào để xác định mức thu phí BOT và thời gian thu phí BOT trong khi việc thu phí này đã và đang được triển khai, như vậy có phải là đang áng chừng mức thu phí hay không. Bộ trưởng có trả lời việc quyết toán này phải dựa vào địa phương, vậy xin Bộ trưởng cho cử tri biết khi nào việc quyết toán này sẽ hoàn tất?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tư lệnh ngành Giao thông - Vận tải cho biết, đến thời điểm này, đã quyết toán cả 58 dự án BOT đang thu phí. Trong đó có 10 dự án quyết toán đồng bộ, 39 dự án còn lại quyết toán gần như toàn bộ, chỉ có 9 dự án tiếp thu được một phần. “Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để công khai, minh bạch chi phí đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Với 62 dự án liên quan đến địa phương, 49 hồ sơ quyết toán giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Giao thông - Vận tải cùng với các địa phương tích cực kiểm tra, giám sát để quyết toán giải phóng mặt bằng. Bộ cố gắng quyết toán giải phóng mặt bằng một cách nhanh nhất để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hiện nay, trên website của Bộ, cả 88 dự án BOT đều đã có những thông số đầy đủ, Bộ cũng làm việc với nhà đầu tư để công khai số liệu đầu tư BOT.


“Chúng tôi xem việc công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất”, Bộ trưởng khẳng định.

Giải thích về việc quyết toán chưa xong mà vẫn tiến hành nghiệm thu, thu phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian thu phí một dự án thấp nhất là 15 năm, cao nhất là hơn 20 năm và đều đã được đầu tư, nghiệm thu, chỉ có quyết toán chưa xong. Do đó, toàn bộ quyết toán của nhà đầu tư đã trình lên có thể không chính xác 100%, nhưng đa phần là đã đầu tư toàn bộ. Không thể dừng không cho thu phí, bởi nếu dừng sẽ phát sinh lãi đầu tư.

“Các dự án vẫn nằm trong thời gian thu phí mười mấy năm, do đó chúng tôi minh bạch để nhà đầu tư thu phí, nhưng phải quyết toán một cách nhanh chóng nhất để bảo đảm tính công khai, minh bạch”, Bộ trưởng nói.

Chưa hài lòng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương tranh luận, “vấn đề bức xúc của người dân là mong muốn công khai việc thu phí của người dân từ trước tới nay là bao nhiêu. Mỗi ngày, trạm thu phí đó thu phí của người dân bao nhiêu trên bảng công khai điện tử tại trạm thu phí. Việc này có khó khăn gì không, vướng gì không? Mong Bộ trưởng trả lời mong muốn chính đáng này của người dân, sắp tới Bộ trưởng có chỉ đạo việc công khai này không?”.

Tiếp tục trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc công khai thu phí hoàn toàn nằm trong tầm tay. Chúng tôi mong muốn cuối năm nay sẽ trang bị cho tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để người dân có thể giám sát một cách chặt chẽ. Trước mắt trên website của Bộ, người dân có thể truy cập để xem cụ thể về tình hình các trạm BOT trên địa bàn.

“Khi liên kết với hệ thống thu phí tự động, toàn bộ các dữ liệu công khai, minh bạch, rõ ràng”, Bộ trưởng khẳng định.

Thanh Vân – Hiền Hạnh (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thể hiện trách nhiệm của 'Tư lệnh' ngành Giao thông-Vận tải
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thể hiện trách nhiệm của 'Tư lệnh' ngành Giao thông-Vận tải

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời. Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ trưởng đã trả lời đúng vào nội dung câu hỏi, thể hiện trách nhiệm của thủ lĩnh đứng đầu ngành, có trách nhiệm với cử tri. Tuy nhiên, một số nội dung liên quan đến giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) chưa thỏa đáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN