Về nghi vấn có thất thoát lớn trong một số dự án BOT Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt vấn đề về các dự án đầu tư vừa qua đều chỉ định thầu. Sau đó, nhà đầu tư được chỉ định thầu bán lại để hưởng chênh lệch và đề nghị Bộ trưởng lý giải. Cho biết cử tri nghi vấn có thất thoát lớn trong một số dự án BOT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi về việc kiểm tra, xử lý của Chính phủ và giải pháp sắp tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin không dự án nào không tổ chức đấu thầu, không công khai trên website đấu thầu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư trong thời hạn một tháng theo quy định. Trong thời gian này, những nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu thông tin, nghiên cứu hồ sơ để tham gia.
Với những dự án có 2 nhà đầu tư tham gia trở lên, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu theo luật định. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, rất nhiều dự án BOT được triển khai. Nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục hoặc vẫn đang có nhiều công việc nên không tham gia. Nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư tham gia nên Bộ Giao thông Vận tải không thể tổ chức đấu thầu.
“Một số dự án chúng tôi kéo dài thời gian thông báo trên website đấu thầu để mong muốn có thêm nhà đầu tư nhưng không có. Luật cho phép Bộ Giao thông Vận tải chỉ định thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia”, Bộ trưởng nêu rõ.
Số liệu giám sát cho thấy chỉ có 1 dự án chỉ định thầu, đó là dự án quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bởi đây là dự án trọng điểm, thời điểm triển khai dự án rất cấp bách, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ xem xét cho chỉ định thầu để triển khai nhanh, còn các dự án sau đó đều được đấu thầu. Ông cũng khẳng định việc đấu thầu được Thanh tra Chính phủ, cơ quan chức năng, nhất là Bộ Kế hoạch – Đầu tư giám sát chặt chẽ. Nếu phát hiện có việc thông thầu, vi phạm Luật, căn cứ vào Luật Đấu thầu sẽ xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải thừa nhận việc một số dự án kéo dài gây lãng phí là có. Khi tham gia đấu thầu, nhà thầu đều mong muốn nhận được nhiều công trình dự án. Một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác ở địa phương. Vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng chưa chặt chẽ. Một số dự án, nhà đầu tư sau khi trúng thầu, năng lực tài chính không đáp ứng được nên một số công trình bị chậm tiến độ.
Cho rằng Bộ đã làm đúng quy định của pháp luật về việc xét duyệt dự toán, vị trí đặt trạm thu phí BT (xây dựng – chuyển giao), BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ thời gian qua, khi thực hiện các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán cho Bộ Giao thông Vận tải. Những dự án BOT khi triển khai, quy định về vị trí, mức thu đều được giám sát chặt chẽ.
Hiện nay, với những dự án sẽ triển khai, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sau khi dự án được duyệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt hồ sơ dự toán của hồ sơ thiết kế kỹ thuật sao cho sát với thực tế, tránh tình trạng ký hợp đồng cao nhưng thực tế lại thấp. Việc này đã được triển khai cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và các dự án hiện nay.
Không đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa ra dẫn chứng kiểm toán 30 dự án BOT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng, 17 dự án đầu tư theo hợp đồng BT trong năm 2017 hầu hết đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro, chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Một số dự án rất lớn, công trình giao thông đó chỉ phục vụ dự án bất động sản của nhà đầu tư (kinh doanh đổi đất lấy hạ tầng), do đó những con đường đó rất đắt. “Kiểm toán đã nêu rồi thì xin Bộ trưởng và Chính phủ cho biết chúng ta xử lý thế nào, chừng nào xử lý, vì dính tới hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách, của xã hội và nhân dân”, đại biểu chất vấn.
Một số nơi trạm BOT còn dày Băn khoăn về việc hiện quốc lộ 1 đi qua Bình Định với khoảng 200km song có tới 3 trạm thu phí, đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt vấn đề có nhiều quá không?
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích việc này bám sát theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, quy định khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70km, còn dưới 70km thì có thỏa thuận với địa phương. Vấn đề này đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định.
“Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dày, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Trong các phương án xử lý, chúng tôi đã đặt việc giảm giá lên trên rút ngắn thời gian thu phí, để chi phí xã hội thấp nhất”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) chất vấn “người dân chỉ tham gia giao thông vài trăm mét tại trạm BOT T2 ở Lộ Tẻ (Kiên Giang) nhưng phải trả tiền cả tuyến. Vậy có công bằng?”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, một dự án BOT chỉ bố trí 1 trạm thu phí. Tuy nhiên, với dự án quốc lộ 91 qua trạm T2, có nhiều bất cập liên quan đến đi lại của người dân, có thể đi gần qua trạm nhưng phải trả phí, đường giao cắt ngang xuyên qua trạm cự ly ngắn vẫn phải trả phí, đây là hình thức bất khả kháng vì đường có dân sinh sống nên với mật độ dân cư và đường giao thông dày thì không thể tổ chức thu phí kín, không thể đền bù giải phóng mặt bằng. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thu phí kín toàn bộ. Bộ Giao thông Vận tải làm đường song hành với đường hiện hữu và vận hành dự án này như một đường cao tốc. Toàn bộ việc thu phí là thu phí kín.
Hiện nay thu phí hở bất cập nên cũng rất mong chính quyền địa phương và bà con thông cảm. Về miễn giảm, đã thực hiện miễn giảm trạm T2 rất lớn, toàn bộ bà con sống trong khu vực được xem xét miễn giảm. Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND các cấp của tỉnh An Giang rất nhiều lần, xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, sau kỳ họp này sẽ giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát một cách kỹ lưỡng tất cả các phương án để đưa ra phương án hợp lý, Bộ trưởng nói.
Giải trình về việc chuyển vốn vay thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình thêm ý kiến của đại biểu về việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chuyển vốn vay 22.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đã quy định về việc không chuyển nguồn vốn vay lại bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp ngân sách. Luật Quản lý nợ công đã thể chế nguyên tắc trên và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đối với dự án của VEC có 5 dự án được triển khai từ năm 2008, vay ODA Chính phủ vay theo cơ chế vay về cho vay lại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Trong quá trình triển khai từ 2008 - 2016 đến nay, các khoản giải ngân đã ghi tăng vào nợ công. Đến năm 2013, Thủ tướng đã có Quyết định số 2072 cho phép chuyển từ cơ chế vay về cho vay lại sang cơ chế Nhà nước đầu tư trực tiếp, vì khó khăn trong quá trình hoàn vốn. Trong kế hoạch đầu tư công 2016 – 2020, Quốc hội đã bố trí dự toán cho 5 dự án này là 22.000 tỷ đồng. Thực tế từ giai đoạn 2008 - 2016 đã giải ngân 26.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội đã đề cập vấn đề này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tổng thể về triển khai 5 dự án cũng như cơ chế quản lý vốn vay thành vốn cấp phát. Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này trước khi báo cáo Quốc hội. Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp để báo cáo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang chuẩn bị báo cáo này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.