Tại buổi làm việc, Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Bình đã báo cáo đoàn công tác về kết quả triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh Thái Bình. Theo đó, tại Thái Bình có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, mỗi đơn vị sẽ bầu 3 đại biểu Quốc hội; cùng với 16 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu 62 đại biểu; 64 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 312 đại biểu; 1.781 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 6.580 đại biểu.
Đến ngày 14/3/2021, Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Bình đã tiếp nhận hồ sơ của 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó, 12 người ứng cử do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 1 người tự ứng cử. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ của 124/124 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và không có hồ sơ của người tự ứng cử; tiếp nhận hồ sơ của 598/602 người ứng cử đại biểu HĐND huyện và không có người tự ứng cử; tiếp nhận hồ sơ của 12.407/12.431 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã và 16 hồ sơ của người tự ứng cử.
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã nhất trí lập danh sách sơ bộ 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 124 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử. Hội nghị nhất trí triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử, tiến hành từ ngày 21/3 đến 13/4/2021.
Tỉnh Thái Bình dự kiến tổ chức Hội nghị hiệp thương lần ba chậm nhất ngày 18/4; thành lập các Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu thuộc các xã, phường, thị trấn chậm nhất ngày 3/4; lập và niêm yết danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu chậm nhất ngày 13/4...
Trong quá trình triển khai tổ chức bầu cử, tỉnh Thái Bình gặp một số khó khăn, vướng mắc như: số lượng cử tri đi làm ăn xa nhiều nên việc thống kê, rà soát cử tri gặp nhiều khó khăn; những xã sáp nhập còn gặp khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp, cơ cấu đại biểu ứng cử HĐND cấp xã đối với các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã; việc in tài liệu phục vụ bầu cử phải thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ cấp phát tài liệu cho các địa phương...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá việc chuẩn bị, tổ chức triển khai công tác bầu cử của tỉnh Thái Bình bài bản, rất có kế hoạch với tinh thần chủ động từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đến quán triệt, tập huấn, hướng dẫn khẳng định ý nghĩa tầm quan trọng của cuộc bầu cử này. Với các tổ chức bầu cử, tỉnh đã thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử cũng được tỉnh bảo đảm đúng số lượng, theo hướng dẫn của Trung ương...
Phó Chủ tịch Quốc hội quán triệt, xác định công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm 2021 nên phải tập trung, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ này, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cầu trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình cần tiếp tục nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về cuộc bầu cử; chủ động với những vấn đề tiềm ẩn về an ninh trật tự, bảo đảm có phương án với những tình huống dịch COVID-19, vệ sinh an toàn thực phẩm, cháy nổ.
Với công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Bộ Thông tin và Truyền thông và của Hội đồng Bầu cử quốc gia, theo từng đợt tuyên truyền về cuộc bầu cử...