Giảm thiểu tác động tới người dân trong việc tăng giá điện, xăng dầu

Tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.

Đó là vấn đề phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); thị trường điện cạnh canh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, phóng viên ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.

Đều là những giải pháp căn cơ

Theo đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh), phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng với nhiều câu hỏi khá hóc búa, nhưng cũng được Bộ trưởng trả lời cặn kẽ như câu chuyện độc quyền về giá điện, khó khăn trong tiêu thụ nông sản.

Các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra từ ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các nước đến giải pháp rất cụ thể như xây dựng các hệ thống tiêu thụ chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cho đến việc kết nối các doanh nghiệp với nhau, với người dân, với các hợp tác xã… để giúp tiêu thụ nông sản đều là những giải pháp căn cơ.

Xóa bỏ độc quyền về giá điện

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) đánh giá: “Cá nhân tôi thấy tất cả những câu hỏi tôi đặt ra được Bộ trưởng trả lời cặn kẽ, đi vào trọng tâm, trọng điểm của nhiều vấn đề".

"Trong đó có câu hỏi về bao giờ xóa bỏ được độc quyền về kinh doanh điện, còn độc quyền giá điện sẽ mãi là điệp khúc tăng tăng giá? Phải phấn đấu hướng tới thị trường điện cạnh tranh, người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp thì mới có giá cạnh tranh được. Đây là câu hỏi không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều cử tri trong cả nước quan tâm".

"Phần trả lời của Bộ trưởng mới chỉ kể về câu chuyện giá điện vẫn còn bao cấp mà chưa theo giá thị trường, tuy nhiên trong phần tái chất vấn Bộ trưởng đã khẳng định đến năm 2016 thị trường điện sẽ theo giá thị trường. Cũng từ năm 2016 sẽ thí điểm bán buôn điện cạnh tranh để năm 2021 bắt đầu bán lẻ điện cạnh tranh. Đến lúc đó người mua điện tự lựa chọn nhà sản xuất và lộ trình điện sẽ không còn độc quyền”.

Để cạnh tranh với hàng hóa các nước

Theo đại biểu Hoàng Thị Hoa (Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), hàng giả, hàng nhái, hàng lậu là vấn đề rất nan giải.

Năm trước các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề hàng lậu của Trung Quốc vào nước ta không ngăn được hết. Có những chuyến hàng lậu chạy tận đến Quảng Bình, thậm chí tới TP Hồ Chí Minh mới bị phát hiện. Đây vấn đề liên quan đến khâu kiểm soát lưu thông.

Trong một khoảng thời gian rất ngắn sáng nay tại hội trường, Bộ Trưởng Bộ Công Thương trả lời như vậy, nhưng các vấn đề trên mới là khái quát. Do đó, nếu không ngăn chặn được hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu thì cũng tương đương với việc “giết” chết những hàng hóa trong nước được sản xuất chất lượng, đúng quy định.


Hàng giả lẫn hàng thật, hàng thật không lưu hành được vì giá cao hơn hàng giả. Đại biểu Hoa cho rằng, trách nhiệm của Bộ Công Thương cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này để cho người dân được dùng những hàng hóa chất lượng tốt.

Nhưng quan trọng hơn những doanh nghiệp sản xuất hàng tốt, hàng chính hiệu phải được bán với giá trị của nó trên thị trường, nếu không cẩn thận sẽ làm các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị phá sản.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa cũng khẳng định, điều quan tâm nhất là Hiệp định FTA Việt Nam vừa ký kết bởi không nhanh chóng đổi mới khoa học công nghệ thì khi hàng hóa các nước khác vào, bằng không làm sao có thể cạnh tranh được.

Do đó, Bộ Công Thương ngay từ lúc này phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ làm thế nào để các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng đổi mới khoa học công nghệ mới mong hạ được giá thành sản phẩm, nâng được chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng hóa các nước.


Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, giá điện là vấn đề không mới, nhưng luôn là vấn đề đặt ra với Quốc hội và nhân dân cả nước.

Năm 2013 điều chỉnh giá điện vào tháng 8/2013 đến hết năm 2014 giữ giá điện ổn định và đến tháng 3/2015 điều chỉnh ở mức tăng 7,5%.

Việc điều chỉnh giá điện nằm trong chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nếu các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá tăng thì buộc phải tăng giá điện.

Theo quy định, nếu giá điện tăng dưới 10% thì giao cho Bộ Công Thương - Bộ Tài chính chủ trì, còn tăng trên 10% sẽ phải xin ý kiến Chính phủ. Vừa qua, ngành điện đã có đề nghị 3 phương án tăng giá điện 7,5%, 9,5% và 12%.

Lần này khác với các lần trước không phải chỉ có Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Đặc biệt, giá điện không dám tăng một cách thường xuyên, tăng theo lộ trình và theo nguyên tắc thị trường, nhưng đảm bảo yếu tố cho xã hội. Theo đúng lộ trình đến năm 2016 giá điện sẽ theo giá thị trường.

Bộ trưởng cũng cho biết, điện, xăng dầu là mặt hàng quan trọng tác động đến mọi người dân. Do đó, mỗi lần tăng giá đều được xem xét kỹ lưỡng, làm sao vừa theo lộ trình, nhưng cũng giảm thiểu tối đa tác động tới người dân, nhất là dân nghèo và ở khu vực nông thôn.






Toàn Xuyên (TTXVN)
Tăng giá điện, xăng dầu đã được cân nhắc thận trọng
Tăng giá điện, xăng dầu đã được cân nhắc thận trọng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời một số vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong lĩnh vực Công Thương, bao gồm việc tăng giá điện, xăng dầu, việc nhập khẩu ô tô...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN