Đây là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI diễn ra ngày 15/10 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Hội nghị lần này có nhiệm vụ rất quan trọng, thực hiện một số công việc để phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023. Theo đó, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII; trao đổi, lấy ý kiến vào Báo cáo tổng hợp ý kiến của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và các tỉnh ủy, thành ủy vào Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 và Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi, bổ sung; cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII và Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi, bổ sung.
Ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, việc thực hiện quy trình nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ 2018-2023. “Tôi đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm tập trung phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc những nội dung đã được thông qua trong chương trình Hội nghị lần này; bảo đảm trong nhiệm kỳ tới, công tác Hội và phong trào nông dân tiếp tục có nhiều đột phá mới, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao cho Hội Nông dân Việt Nam”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí cao với số lượng Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII dự kiến là 119 ủy viên gồm: 30 đại diện đến từ cơ quan Trung ương Hội, 63 đại diện đến từ các địa phương (có thể là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thành phố), 5 đại diện đến từ các cơ quan đoàn thể Trung ương, 5 đại diện đến từ doanh nghiệp, 3 đại diện là các giám đốc Hợp tác xã, 3 đại diện là các hội viên tiêu biểu và 5 đại diện là các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín… Dự kiến trong số này, Ban Thường vụ có 21 đồng chí và Thường trực có 6 đồng chí.
Hội nghị cũng thống nhất cao với việc đẩy mạnh các nội dung, giải pháp nhằm tập trung củng cố vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam các cấp, xây dựng giai cấp nông dân thời kỳ mới vững mạnh, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2013-2018, vị thế, vai trò của Hội Nông dân ngày càng thể hiện rõ là trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân. Đoàn kết trong nông dân và tổ chức Hội Nông dân ngày càng củng cố vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Minh chứng rõ nét cho nhận định trên thể hiện ở các con số cụ thể: Tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,5%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 2,73%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giai đoạn 2013-2017 đạt 153 tỷ USD. Các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được 295 chi hội, tổ hội nghề nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước…