Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vào năm 2020
Với mục tiêu biến khó
khăn thành động lực để phát triển, trên con đường thoát nghèo, vươn lên,
Hà Giang đặt mục tiêu trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vào năm
2020. Là tỉnh vùng núi cao nằm ở cực Bắc của Việt Nam, có cảnh quan núi
non hùng vĩ, đặc biệt là sở hữu Công viên địa chất toàn cầu, Hà Giang có
19 dân tộc cùng chung sống với những lễ hội đặc sắc, di sản tự nhiên,
di sản nhân văn hấp dẫn. Vùng cao nguyên này không chỉ là điểm đến lý
tưởng mà còn mở ra một không gian kết nối du lịch giữa Đông Bắc với Tây
Bắc. Lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng tăng, năm nay Hà
Giang ước đón khoảng 1 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 950 tỷ
đồng.
Một điểm sáng rất đáng ghi nhận của tỉnh miền núi Hà Giang
trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo với xuất phát điểm của một địa phương
thuộc diện khó khăn nhất cả nước đó là tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh
trong hoạch định chính sách, chủ trương phát triển. Trong bối cảnh còn
nhiều khó khăn nhưng Hà Giang đã mạnh dạn đặt vấn đề hợp tác với các cơ
quan nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới như Đại học Fullbight để giải
quyết các nút thắt, xây dựng kịch bản phát triển; hợp tác với Công ty tư
vấn uy tín hàng đầu trên thế giới McKinsey để lập quy hoạch phát triển
du lịch, phát triển dược liệu, từng bước xây dựng và khẳng định thương
hiệu sản phẩm.
Khẳng định với Thủ tướng và các doanh nghiệp,
nhà đầu tư tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh quả quyết Hà
Giang sẽ thực hiện cho bằng được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để hội
nhập một cách chủ động, có hiệu quả trong cuộc cách mạng công nghiệp
4.0.
Ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư chung của Chính
phủ, Hà Giang cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
đầu tư trên địa bàn; đáng chú ý như: Hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng kinh
doanh; hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/nhà máy chế biến dược liệu; 10 tỷ
đồng/nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi…
3 ấn tượng của Thủ tướng
Lưu ý đầu tiên trong bài phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến những mặt hàng, sản phẩm đặc trưng của mảnh đất Hà Giang với mẫu mã đẹp, có lợi thế so sánh, dễ truy cập nguồn gốc, xuất xứ của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến một bất ngờ là người dân, du khách nơi đây hoàn toàn có thể mua bán hàng hóa, thanh toán qua điện thoại thông minh. “Thương mại điện tử ở Hà Giang đã phát triển là một điều hết sức đáng mừng đối với một tỉnh xa xôi nhất, còn rất khó khăn của Việt Nam”, Thủ tướng ghi nhận.
Thủ tướng cũng chia sẻ niềm vui khi chứng kiến những loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc tại Hà Giang được giữ gìn, phát huy hiệu quả thông qua các loại hình du lịch home stay, các mô hình hợp tác xã dịch vụ đồng quê tại các huyện miền núi cao của Hà Giang.
Ngoài việc chủ động hợp tác với những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới để xây dựng quy hoạch phát triển, trong 3 ấn tượng lớn về những thành tựu của Hà Giang, Thủ tướng đánh giá cao việc công nghệ thông tin được áp dụng đến 60%, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh có hòm thư nóng kết nối trực tiếp với tất cả Bí thư Chi bộ cấp xã, tạo điều kiện cho công tác nắm tình hình và chỉ đạo tại địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp cam kết đầu tư và nhận Giấy chứng nhận đầu tư vào tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Dành sự trân trọng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang - một địa phương miền núi xa xôi, địa đầu Tổ quốc, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, các nhà đầu tư sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển Hà Giang trở thành một địa phương khá giả về kinh tế.
Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư sẽ “vượt qua mọi gian lao, chinh phục mọi thử thách”; “các bạn sẽ thu về những thành công xứng đáng chính tại nơi này”; “những gì các vị làm hôm nay sẽ không chỉ góp phần nâng cao đời sống, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang mà còn tạo ra sự phát triển đột phá ở vùng biên giới xa xôi trong tương lai”.
Theo Thủ tướng, những mô hình kinh doanh tốt, những dự án đầu tư có tính bao trùm, có khả năng lan tỏa, tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân địa phương chính là những điều kiên quyết, là mục tiêu hướng tới của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang. Đây cũng chính là chìa khóa cho sự vươn lên của toàn bộ Tây Bắc cũng như Hà Giang nói riêng trong thời gian đến.
Để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đó, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền Hà Giang cần kiên định quan điểm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh Hà Giang cần “xắn tay áo” cùng doanh nghiệp trong tiết giảm các loại chi phí kinh doanh không hợp lý, giúp doanh nghiệp đạt hiệu suất lao động cao và có được lợi nhuận bền vững, qua đó nâng cao khả năng thu hút để giữ chân doanh nghiệp đến với Hà Giang, Thủ tướng chỉ đạo.
Đi liền với đó là phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của địa phương từ lãnh đạo đến chuyên viên trong việc giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư; tăng cường năng lực điều hành, thực thi pháp luật trên tinh thần phát huy tối đa sức sáng tạo, yếu tố công nghệ, tư duy đổi mới, tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử số hóa việc tương tác với doanh nghiệp…
“Phải nâng thứ bậc cạnh tranh của Hà Giang tốt hơn nữa trong thời gian đến, đó là một yêu cầu cấp bách đối với hệ thống chính trị và cán bộ công chức tỉnh Hà Giang”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phân tích sâu về du lịch, Thủ tướng cho rằng Hà Giang hoàn toàn có thể thu hút du khách quanh năm. Muốn vậy, tỉnh cần chú trọng công tác truyền thông về hình ảnh và bản sắc địa phương, phát triển các loại du lịch cộng đồng, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa lễ hội. Thủ tướng đề nghị Hà Giang góp phần cùng ngành du lịch cả nước trả lời đồng bộ 5 câu hỏi: Làm sao để khách đến đông hơn; ở lại lâu hơn; tiêu nhiều tiền hơn; quay trở lại và làm sao để khách đến kể về những câu chuyện du lịch Hà Giang trong thời đại internet và mạng xã hội có sức lan tỏa nhanh trên toàn cầu?
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo lao động kỹ năng chuyên sâu để có thể đáp ứng dịch vụ du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, dược liệu; tăng khả năng và cơ hội tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp.
Với phát triển nông nghiệp, Thủ tướng gợi ý Hà Giang đảm bảo 3 yếu tố: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; phổ cập ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, truy cập nguồn gốc; tập trung nguồn lực xây dựng và nâng cấp thương hiệu.
“Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện cho Hà Giang phát triển trên tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã tặng 6 huyện miền núi đặc biệt khó khăn của Hà Giang mỗi huyện 100 chăn ấm cho người nghèo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng trân trọng trao 10 tỷ đồng tặng tỉnh Hà Giang để khắc phục chỗ ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Tại hội nghị này, Hà Giang giới thiệu đến nhà đầu tư 26 danh mục dự án trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 16.100 tỷ đồng. Các danh mục dự án thu hút đầu tư đều có triển vọng rất lớn, rất hấp dẫn, khả năng sinh lời rất cao. Hà Giang cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng hành cùng nhà đầu tư để các dự án nhanh chóng được triển khai, để nhà đầu tư yên tâm gắn bó, làm ăn lâu dài tại địa phương.