Phối hợp trong tiếp nhận, xử lý thông tin, đơn thư phòng chống tham nhũng để kịp thời xử lý, giải quyết là một trong những biện pháp nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng được Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội nêu lên tại Hội nghị triển khai Quy chế phối hợp trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Hà Nội, ngày 11/9.
Ban Nội chính Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng tập trung triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, Thành ủy trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc thực hiện. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hai cơ quan này tập trung phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; phối hợp tiếp nhận, xử lý thông tin, đơn thư phòng chống tham nhũng để kịp thời xử lý, giải quyết; phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát, kiến nghị phòng ngừa và xử lý tham nhũng.
Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy, việc triển khai Quyết định số 4660 – QĐ/TW của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng trên địa bàn Hà Nội, nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung năm 2012), các nghị quyết, chương trình của Trung ương, Thành ủy về công tác phòng chống tham nhũng; phát huy trách nhiệm của cán bộ, công chức, các tổ chức thành viên và nhân dân; ngăn chặn, loại bỏ dần các cơ hội phát sinh tham nhũng; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội để củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng nếp sống văn hóa, tiến tới xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy, bên cạnh những giải pháp đang phát huy được hiệu quả cao như cải cách hành chính, công khai minh bạch… vẫn có những giải pháp chưa đạt kết quả tốt như chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, trả lương qua tài khoản, nộp lại quà tặng… do không kiểm soát được luồng tiền, chưa kiểm định được minh bạch nguồn gốc tài sản có giá trị lớn mang tính cá nhân. Các quy định pháp luật còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều giải pháp không đem lại hiệu quả rõ rệt.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Đào Văn Bình đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cụ thể hóa các kế hoạch để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân, để nhân dân tích cực cung cấp các thông tin tố giác các hành vi tham nhũng. Quá trình triển khai thực hiện cần nắm chắc các nội dung, phương pháp phối hợp. “Việc xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng” – Ông Đào Văn Bình khẳng định.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội, 3 năm qua, Công an Hà Nội đã thụ lý và điều tra 88 vụ, 260 bị can phạm tội về tham nhũng (tăng 27 vụ so với 3 năm trước), trong đó khởi tố mới 78 vụ, 218 bị can; đã có kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 58 vụ, 196 bị can (đạt 65,9% tổng số vụ án thụ lý). Đặc biệt, cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, các vụ án bị truy tố về hành vi tham nhũng hầu hết thuộc lĩnh vực ngân hàng và quản lý đất đai, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng; đã đưa ra xét xử với mức án cao nhất.
Cẩm Anh