Sau Đại hội, các ý kiến nhấn mạnh, cần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới và quyết tâm hành động để nhanh chóng hiện thực hóa các quyết sách này.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đánh giá, Đại hội XIII là kỳ đại hội thành công hơn so với các kỳ khác. Đại hội đã thông qua Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các đại biểu dự Đại hội đã trách nhiệm, trao đổi thẳng thắn, đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm; được thể hiện rõ trong Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội.
Nghị quyết lần này đã nêu bật kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; khẳng định những thành tựu đạt được 5 năm qua. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ; cương quyết xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm. Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa, nhiệm vụ sắp tới là kiên trì, bền bỉ, lâu dài, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi tham nhũng hoặc lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết, Đảng thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền, gương mẫu trên tất cả các lĩnh vực nhất là đạo đức để cán bộ, cấp dưới noi theo.
Liên quan đến định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quan điểm chỉ đạo là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Tâm đắc với nội dung này, ông Phạm Văn Hòa phân tích, để GDP tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay sự viện trợ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế thì yếu tố quan trọng, cốt lõi là nội lực. Trong đó, phát huy tiềm năng nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm làm giàu chính đáng của toàn quân, toàn dân ta.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Về xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân, giảm đến mức thấp nhất hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn mới. Trong quan hệ quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa. “Những mục tiêu này phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với tâm tư, tình cảm của đại đa số nhân dân và cán bộ, đảng viên”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, để Nghị quyết Đại hội XIII thực sự đi vào cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhất là người dân hiểu rõ, sâu sắc, quán triệt tư tưởng đó. Ngoài ra, tinh thần sáng tạo, linh động, chịu trách nhiệm của Chính phủ cũng cực kỳ quan trọng.
Về Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đây đều là những đồng chí có tâm, có tầm. Ông Hòa tin tưởng, tập thể Ban Chấp hành mới sẽ lãnh đạo, điều hành đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là vượt qua đại dịch COVID-19 này .
Ông Phạm Văn Hòa bày tỏ kỳ vọng, đội ngũ lãnh đạo cấp cao luôn gương mẫu, trong sáng, gần gũi với người dân, có trách nhiệm với công việc. Từ đó, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cương quyết loại bỏ, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đánh giá, đây là điểm sáng của nhiệm kỳ khóa XII, được đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo cương quyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được phát huy, củng cố niềm tin trong nhân dân. Trong đó, bên cạnh việc xử lý những đại án, cần cương quyết bài trừ tham nhũng vặt, tránh để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Nghị quyết Đại hội XIII đã đề các giải pháp đột phá để đưa đất nước tiến nhanh, vững chắc trong bối cảnh khu vực, thế giới diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay. Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, Nghị quyết là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự điều hành, chỉ đạo trong giai đoạn tới. Để thực hiện thành công Nghị quyết, đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới và Ban Chấp hành Trung ương bầu ra được Bộ Chính trị, phân công Ban Bí thư khóa mới. Ban Chấp hành Trung ương mới bảo đảm chất lượng và đặc biệt bảo đảm đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều này rất quan trọng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng trong quá trình triển khai nhanh Nghị quyết vào cuộc sống, nhất là ở các địa phương.
Với thành công của Đại hội XIII, bà Đỗ Thị Lan mong muốn Trung ương sẽ sớm có chỉ đạo, kế hoạch nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, định hướng mới trong Nghị quyết, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội… Bên cạnh đó, Trung ương và các cấp ủy cần có những giải pháp, bước đi trong tổ chức thực hiện, đặc biệt, cần có phương pháp tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết Đại hội sâu rộng không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà cả trong quần chúng nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết trong tổ chức thực hiện.