Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm kiến nghị Chính phủ nên sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm từ các khoản chi khác để hỗ trợ ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá tiếp tục vươn khơi, bảo vệ ngư trường.
Cần những biện pháp đồng bộ
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam đã vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Không dừng lại ở đó, các tàu cá, tàu kiểm ngư của Trung Quốc còn khiêu khích, ngang ngược, chủ động đâm va làm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi họ đang khai thác trên ngư trường truyền thống.
Tàu cá ĐNa 90152 TS (khoanh tròn) bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt thủy sản trên ngư trường truyền thống vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đang được lai dắt kéo vào bờ. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để hỗ trợ ngư nghiệp, ngư dân phát triển bền vững cần có những biện pháp đồng bộ. Chính phủ đã có đề án triển khai chính sách phát triển kinh tế biển, tuy nhiên cần giải quyết một số vấn đề mang tính đồng bộ. “Cần phải tính toán thay đổi công nghệ, kỹ nghệ phương thức đánh bắt cá xa bờ. Nếu cứ duy trì cách làm truyền thống của ngư dân như hiện nay, việc đánh bắt không hiệu quả, chất lượng sản phẩm cũng không đảm bảo”, đại biểu Trần Du Lịch khẳng định.
Nhiều đại biểu dẫn chứng, cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam đánh bắt được chỉ được đánh giá 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cho nên để hoạt động đánh bắt cá phát triển được phải có vai trò hỗ trợ của Nhà nước, phải xây dựng những trung tâm hậu cần nghề cá. “Chúng ta đã quy hoạch 5 vùng trên cả nước nhưng chưa vùng nào có”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Để ngư dân yên tâm bám biển, thể hiện lòng yêu nước bằng những chuyến ra khơi khẳng định chủ quyền biển đảo thì việc trang bị tàu cá vỏ sắt là cần thiết và là một đường lối, chính sách đúng đắn. “Vấn đề ở đây không chỉ là đánh cá mà sâu xa hơn nữa đó là bảo vệ ngư trường. Đây cũng là sức mạnh của toàn dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi cho rằng ngoài việc đóng tàu vỏ sắt có sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước, thì các doanh nghiệp, nghiệp đoàn có tàu lớn cũng nên tạo điều kiện cho ngư dân có kinh nghiệm được tham gia cổ phần khai thác thủy sản, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nguyên vật liệu hậu cần nghề cá để ngư dân ra khơi, bám biển. Việc bao tiêu sản phẩm ngay trên ngư trường trong những chuyến vươn khơi bám biển cũng sẽ giúp cho ngư dân đỡ mất thời gian chạy vào đất liền tiêu thụ. Đó cũng là cách góp phần vừa khai thác lợi ích kinh tế biển, vừa tăng sức mạnh trên biển, không thể để đơn độc lực lượng Cảnh sát biển hay Kiểm ngư đấu tranh với kẻ địch”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị.
Dành 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân
Cái khó đối với ngư dân khi đầu tư đóng tàu vỏ sắt vươn khơi, bám biển là thiếu vốn. Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 5/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Thời gian qua, có vốn nhưng cơ chế cho người dân vay chưa đảm bảo, nên họ chưa tiếp cận được, họ ngại không dám vay. Nay chính sách rất cụ thể, có nghĩa là tính toán để cho vay với lãi suất 3%/năm và cho vay 10 năm. Ân hạn một năm nữa cộng lại 11 năm. Người đi vay thế chấp thân tàu, có bảo hiểm, thân tàu được bảo hiểm. Khi có rủi ro xảy ra thì Nhà nước có một chính sách đặc biệt, nếu rủi ro đó khách quan hoàn toàn thì chúng ta sẽ xử lí theo đúng như vậy để người dân không bị thiệt, yên tâm tiếp tục ra khơi đánh bắt và đồng thời bảo vệ biển đảo của Việt Nam”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương dành nguồn vốn đủ lớn để giúp đỡ ngư dân đóng mới và cải hoán các tàu hiện có, tàu cá có công suất lớn, độ an toàn, chắc chắn để ngư dân yêu tâm ra khơi. Đây cũng là dịp để ngư dân nâng cao năng suất đánh bắt, nhưng cũng bảo vệ quyền chủ quyền của đất nước chúng ta trên Biển Đông. Để thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại đã dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân. Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay đến ngư dân từ phía ngân hàng là 5%, Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2%, tức là ngư dân chỉ phải trả 3%. Còn về chính quyền địa phương các cấp, bằng nguồn ngân sách của mình có thể hỗ trợ cho ngư dân của tỉnh mình một số phần trăm nữa thì càng tốt, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.
Tất cả những con tàu đóng mới đều được bảo hiểm. Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu các mô hình để quản lý tốt nguồn vốn vay, giúp ngư dân vay không lãi suất nhưng với điều kiện phải quản lý thật tốt đảm bảo các tổ chức tín dụng có thể thu hồi được vốn gốc của mình. Thời hạn cho vay có thể từ 10-15 năm. “Với thời hạn như vậy, chúng tôi cho rằng “đủ lớn” hỗ trợ cho ngư dân ra khơi bám biển”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.
V.Tôn