Hoàn thiện chính sách cho công nghiệp hỗ trợ

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn thừa nhận ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam chưa phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài là do chính sách để phát triển CNHT chưa đồng bộ, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt vấn đề, việc ngành CNHT phát triển không như mong đợi, phải chăng do Việt Nam thiếu các chính sách cụ thể để phát triển CNHT? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận là do chính sách chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

kk



“Về chính sách thì chúng ta có và đã dành sự quan tâm nhưng do cấp độ pháp lý còn hạn chế, thậm chí còn chưa có nghị định, nên chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển”, Bộ trưởng nói.

Trả lời các đại biểu về nguyên nhân ngành CNHT chậm phát triển, ngoài vấn đề về chính sách, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, là do quy mô sản xuất của Việt Nam chưa đủ lớn.

Không có thủy điện hoạt động cầm chừng

Mặc dù không nằm trong các vấn đề thuộc nội dung dự kiến nhưng trước câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) về việc có hay không một số doanh nghiệp điện lớn của Nhà nước (như thủy điện Hòa Bình) sản xuất cầm chừng; trong khi đó lại phải mua điện ngoài quốc doanh, thậm chí nhập khẩu điện với giá cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ý kiến này là không có cơ sở. Một trong những mục tiêu khi Quốc hội quyết định xây dựng các công trình thủy điện là tận dụng lợi thế tiềm năng, vừa phát điện, vừa hạn chế cắt lũ mùa mưa, cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất. Do đó, không có lý do gì mà không khai thác triệt để các dự án thủy điện này theo các mục tiêu đã định.

Bộ trưởng dẫn chứng: “Thực tế, thủy điện Hòa Bình công suất thiết kế là 1.920 MW, sản lượng phát điện hàng năm bình quân 9-10 tỷ KWh. Theo số liệu của chúng tôi thì hầu như năm nào cũng là con số này. Thủy điện Sơn La đưa vào vận hành trước thời hạn 3 năm, năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế, mỗi năm trên dưới 10 tỷ KWh. Các thủy điện lớn khác cũng vậy”.

XP

“Từ trước đến nay, khi nói đến CNHT chung ta thường nói đến phụ tùng, linh kiện (như ngành sản xuất ô tô), trong ngành dệt may, da giày thì là nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, CNHT phát triển hay không thì phải tùy thuộc vào quy mô sản xuất. Phải có quy mô sản xuất đủ lớn để có thể sản xuất số lượng nhiều, qua đó giá thành có thể cạnh tranh được và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

Dẫn chứng cho việc này, Bộ trưởng đưa ra ví dụ: Hàng năm, các cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chỉ sản xuất khoảng 70.000 xe/năm mà lại rất nhiều chủng loại khác nhau, nên khó có DN nào có thể đứng ra sản xuất cung cấp linh kiện. Bởi theo thống kê, với một sản phẩm ô tô thì mỗi năm phải sản xuất khoảng 100.000 xe mới thực hiện được.

Riêng về dệt may và da giày do số lượng hàng hóa tương đối lớn, nên các doanh nghiệp trong nước có thể tự lo nguyên phụ liệu. Trong đó, dệt may có thể tự lo được 50% nguyên phụ liệu, da giày có thể lo liệu được khoảng 60%.

Một nguyên nhân nữa khiến ngành CNHT của Việt Nam gặp khó khăn là xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, các tập đoàn sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Việt Nam đi sau nên việc chen chân vào các chuỗi giá trị toàn cầu càng trở nên hạn chế vì sức chúng ta yếu, kinh nghiệm chưa nhiều.

Bên cạnh đó, ngành CNHT cũng đòi hỏi nguyên vật liệu, nhất là vật liệu mới đặc biệt như thép chế tạo, chất dẻo,… Nhưng Việt Nam hầu như chưa có nên phải nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản xuất khó có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài. Chưa kể, nhân lực cho ngành CNHT đòi hỏi trình độ tay nghề cao, mà hiện tại Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ này.

Trả lời trước câu hỏi về giải pháp nhằm thúc đẩy CNHT có thể cải thiện, Bộ trưởng cho biết, trước mắt Bộ đã có kiến nghị sẽ hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp thông qua Quỹ hỗ trợ. Với quỹ này có thể cho doanh nghiệp vay vốn ở giai đoạn ban đầu khi khởi nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất mà không đủ vốn thì Quỹ sẽ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị thành lập các trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp. Khi có nhu cầu kiểm tra chất lượng hoặc tạo mẫu mới nếu khó khăn tài chính, doanh nghiệp có thể thực hiện miễn phí tại các trung tâm này. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp như có thể dành một tỷ lệ nhất định với dự án ODA; đặc biệt là nên có chính sách về thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ chuẩn bị trình Chính phủ một nghị định nữa mà trong đó bao quát nhiều nội dung về cơ chế chính sách để thúc đẩy ngành CNHT nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua.

Bên lề quốc hội

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai):

Trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đáp ứng phần nào sự quan tâm của cử tri nhưng vấn đề cần làm rõ là việc xác định trách nhiệm của mình và lộ trình, những giải pháp thực hiện tiếp theo cần quan tâm hơn. Cụ thể như chống buôn lậu, Bộ trưởng Bộ Công Thương là thành viên Ban Chỉ đạo 9 về phòng chống buôn lậu. Đây là vấn đề nhức nhối mà cử tri quan tâm.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời ngắn gọn, rõ vấn đề hơn và những lĩnh vực thuộc về mình thì Bộ trưởng đã mạnh dạn nhận khuyết điểm. Tuy nhiên bên cạnh nhận khuyết điểm phải đề xuất được cơ chế, chính sách, biện pháp tới đây xử lý đối với những bất cập trong tỷ lệ nội địa hóa ô tô, công nghiệp hỗ trợ, cũng như chính sách việc chống buôn lậu, hàng giả như thế nào?... Đó mới là vấn đề quan trọng hơn. Còn nếu nói là “chưa dám hứa về tăng bao nhiêu phần trăm tỷ lệ chống buôn lậu và chỉ nói là làm tốt hơn” thì chưa thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):

Nói chung là Bộ trưởng Bộ Công Thương nắm vấn đề khá rõ nhưng cách trả lời hình như còn đối phó, như câu hỏi của tôi về vấn đề hàng gian hàng giả, về cách quản lý thì Bộ trưởng cho rằng thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng. Tôi không đồng ý bởi vì như vậy thì thuốc trừ sâu sẽ kiểm định bằng gì? Một cơ quan quản lý nhà nước không thể thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phải dùng miệng để kiểm định. Có thể một người nông dân nào đó có thể nếm một mặt hàng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước quản lý nhiều mặt hàng và tình trạng buôn lậu, hàng giả diễn ra hàng ngày phức tạp, trong khi không có phương tiện, lạc hậu đến nỗi dùng miệng để kiểm định thì không thể chấp nhận. Tôi muốn Bộ trưởng phải làm rõ để người dân tin tưởng, với những người sử dụng hàng gian hàng giả mà chống bằng miệng thì biết chừng nào mà chống được, biết chừng nào làm rõ để người dân yên tâm sản xuất đúng theo pháp luật, trong khi những kẻ gian dối dùng đủ mọi cách thì Bộ trưởng lại nói dùng cách thô sơ lạc hậu là tôi đồng tình.

Vấn đề chống buôn lậu không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương, nhưng Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu, ví dụ như Ban Chỉ đạo 9 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, nhưng đối với Bộ Công Thương, lĩnh vực nào đóng vai trò chính phải đề xuất mua sắm thế nào, phương tiện gì cần thiết cho mặt hàng nào chứ không thể trả lời như thế được.

Còn về phần công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trả lời đi vào trọng tâm nhưng tôi chưa thực sự hài lòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương có đề nghị sắp tới đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, nhưng thời gian qua Nhà nước và xã hội đã đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này nhưng chúng ta không sử dụng hết tiền này và chúng ta không khai thác hết tiềm năng.

Xuân Minh (thực hiện)


Xuân Phong
Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6

Hội thảo lần này là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm giới học giả và tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN