Ngày 8/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với trường Đại học Tôn Đức Thắng. Đây là cơ sở đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, được tự quyết định mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định như một trường ngoài công lập. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm nơi ở của sinh viên. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Phát biểu với Ban giám hiệu và Hội đồng nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động trường Đại học Tôn Đức Thắng đã luôn trăn trở, suy nghĩ và nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định thành công mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đây là mô hình cần tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng đối với giáo dục đại học cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo các cấp học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là bước đột phá để đất nước phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chất lượng đào tạo đại học, đào tạo nghề ít nhất cũng phải ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực thì dần dần mới sánh vai với quốc tế. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nghề thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó một trong những giải pháp là tự chủ.
Trước hết là tự chủ tài chính mới có thể trả mức lương xứng đáng để có đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi và phát triển cơ sở vật chất, gắn với tự chủ về nhân sự, tổ chức và tự chủ về ngành nghề đào tạo... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ khuyến khích các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ hoặc thực hiện từng bước tự chủ trong khuôn khổ pháp luật.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trường Đại học Tôn Đức Thắng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tập trung phát triển thành công hơn nữa mô hình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời khẳng định ngày càng rõ uy tín, vị trí không chỉ trong hệ thống giáo dục đại học trong nước mà cả trong khu vực; tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo và trách nhiệm xã hội cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên gắn với quan tâm chăm lo, đời sống, vật chất, tinh thần, nhất là thu nhập cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về đất đai, vốn vay ưu đãi... để Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục hoàn thiện, phát triển cơ sở vật chất, góp phần nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo cũng như hoàn thiện mô hình tự chủ ngày càng hiệu quả hơn.
Toàn cảnh nhà thi đấu, sân vận động, ký túc xá trường Đại học Tôn Đức Thắng về đêm. Ảnh: www.tdt.edu.vn |
Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học đa ngành trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2008. Với phương châm hoạt động “Vì sự phát triển con người và một xã hội tăng trưởng ổn định và bền vững” trong gần 7 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Đại học Tôn Đức Thắng đã có bước phát triển vượt bậc với gần 1.000 cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động làm việc tại 46 đơn vị đầu mối, trong đó có 14 khoa với 34 ngành học và 15 trung tâm.
Nhà trường đã và đang đào tạo 25.000 sinh viên cùng gần 500 học viên sau đại học. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra cao với 3 nội dung đạo đức, kỹ năng thực hành chuyên môn, chứng chỉ bơi lội,... nhà trường còn phối hợp với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp để đào tạo theo đặt hàng nên có tới trên 90% sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp.
Cơ sở vật chất của nhà trường được đánh giá là khang trang với tổng giá trị tài sản lên tới 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng trụ sở chính trong khuôn viên 10 ha đã có tổng diện tích sàn xây dựng trên 165.000m2 và tòa nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động... Nhờ cơ chế tự chủ tài chính nên Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đại học công lập không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhưng đảm bảo được mức thu nhập khá cao, ổn định cho cán bộ, giảng viên. Đến nay, nhà trường đã hợp tác với 67 trường đại học trên thế giới triển khai 27 chương trình đào tạo từ đại học đến tiến sỹ...
Thiện Thuật (TTXVN)